- 16 người chết tức tưởi trên con tàu của Công ty du lịch xanh Dìn Ký; đến thời điểm này vấn đề trách nhiệm là chuyện phải… bàn cãi.

Trong ngày 23/5, PV VietNamNet đã cố gắng liên hệ với phía Công ty du lịch xanh Dìn Ký, đơn vị kinh doanh và có liên quan trực tiếp đến con tàu BD-0394 gặp nạn đêm 20/5 làm 16 người chết.

Tuy nhiên, việc liên lạc này không thành vì các nhân viên ở những chi nhánh của Dìn Ký xác nhận, giám đốc, quản lý (người được ủy quyền trong vụ tàu chìm – PV) đều đi vắng. Số điện thoại của những người này cũng nằm ngoài vùng phủ sóng.

Vì sao bến thủy lậu của công ty Du lịch xanh Dìn Ký hoạt động trong thời gian dài trước mặt các cơ quan chức năng, hiện vẫn còn là dấu hỏi?
Tiếp tục truy vấn đề trách nhiệm của những đơn vị có liên quan đã để con tàu không đủ đảm bảo hoạt động du lịch chở khách và bến thủy không phép tồn tại trong một thời gian dài, PV có trao đổi với ông Bùi Đình Chiến – Phó Đội trưởng Đội thanh tra số 5, thuộc thanh tra Cục Đường thủy phía Nam.

Ông Chiến cho biết: “Vào năm 2008, đơn vị chúng tôi đã lập biên bản vi phạm đối với Dìn Ký về việc hoạt động bến thủy không phép. Toàn bộ hồ sơ chúng tôi chuyển lên cấp trên, họ đã đến đóng phạt và khi về vẫn hoạt động tiếp”.

 1 cảng vụ viên cho biết: “Chuyện tàu du lịch hết đát vẫn hoạt động kinh doanh, đón khách… mà không chịu đi đăng kiểm là chuyện bình thường”
Trong khi đó, PV đặt câu hỏi, vậy nếu phía Dìn Ký cứ hoạt động “lỳ” thì phía cơ quan chức năng không có biện pháp gì chăng, thì ông Chiến nói “đó là chuyện của cơ quan chức năng... khác”.

Một cảng vụ viên (xin giấu tên) tiết lộ với VietNamNet rằng “một số địa bàn, có tình trạng cảng vụ đường thủy nội địa khu vực sẽ “nuôi” bến thủy lậu”. Cụ thể cảng vụ viên này có phân tích, đối với bến thủy có phép thì các cảng vụ thu tiền cập ra, cập vào của tàu cho nhà nước; nhưng “nuôi” bến thủy không phép thì số khoản phí cập ra, cập vào đó của tàu, mà mỗi năm là một khoảng khổng lồ sẽ được ăn chia nhau.

Và trên thực tế, sau vụ tai nạn kinh hoàng vừa qua, dư luận có đặt câu hỏi: vì sao bến thủy không phép của Dìn Ký lại có thể hoạt động trong một thời gian dài, mà các cơ quan chức năng quản lý không hề xử lý, đình chỉ?

 Tàu chìm, trách nhiệm liệu có “nổi”?
Cảng vụ viên nói trên còn cho biết: “Chuyện tàu du lịch hết đát vẫn hoạt động kinh doanh, đón khách… mà không chịu đi đăng kiểm là chuyện bình thường. Có thể nói họ cứ thế kinh doanh, đến khi thích thì đi đăng kiểm, không thích thì thôi; còn chuyện nhắc nhở của các cơ quan quản lý là… chuyện nhỏ”.

Trong khi đó, ông Trần Quang Trung – Phó giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3, đơn vị quản lý đoạn sông Sài Gòn qua thủy phận TX.Thuận An, tỉnh  Bình Dương nói rõ: “Trách nhiệm trong vụ tai nạn này thì phải có nhiều đơn vị. Đây là bến thủy không phép, mà mặc dù phía Dìn Ký đã gửi hồ sơ đến xin mở cảng du lịch”.

Ông Trung cũng có nói: “Bến thủy lậu ở nước ta có nhiều, chứ đâu riêng gì ở đây”.

Phân tích của ông Trung, sở dĩ hồ sơ xin mở cảng du lịch của Dìn Ký không được duyệt là do, đoạn sông chỗ nhà hàng nổi Dìn Kỳ có mực nước sâu, cầu phao nổi không đăng kiểm được, phải xin ý kiến của chính quyền địa phương, Sở GTVT.

Trả lời về việc sao không đình chỉ, giải tỏa để bến thủy Dìn Ký hoạt động lậu trong thời gian dài, ông Trung cũng phân tích rằng: “Chuyện đó là trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng có liên quan, nhưng trước đây cảng vụ đường thủy nội địa và đội thanh tra số 5 đã từng lập biên bản xử lý đối với bến thủy lậu của Dìn Ký”.

Ông Trung lấy ví dụ: ở TP.HCM, trước đây đơn vị của ông có phối hợp cùng thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cơ quan công an, các quận, huyện… đã rà soát, lập biên bản xử lý các bến thủy lậu, sau đó bàn giao cho cấp quận, huyện quản lý.

  • Đàm Đệ - Trung Thanh

>> Đêm định mệnh trên con tàu tử thần