Dù các bên liên quan đã nhờ cơ quan điều tra vào cuộc từ cuối năm 2017, tới nay tình trạng rò rỉ thông tin khách bay vẫn diễn ra thường xuyên.

Đi Nội Bài chỉ 150 ngàn: Taxi sân bay thời dìm nhau đến 'chết'

Đại gia taxi số 1 Việt Nam hụt két 900 tỷ: Kêu khóc tại ai bây giờ?

Một ngày trước ngày cất trên chuyến bay đi TP.HCM của Vietnam Airlines, anh H. Minh (Đống Đa, Hà Nội) nhận tới 5 cuộc gọi và 3 tin nhắn từ các hãng taxi lạ mời chào dịch vụ xe một chiều lên sân bay dù anh chưa hề liên hệ với bất kỳ hãng taxi nào trước đó.

”Đây không phải là lần đầu tiên mình gặp tình trạng này, họ biết số điện thoại của mình, biết chính xác ngày mình bay để gọi chào mời xe dù mình chưa từng cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ bên nào ngoài các hãng hàng không trong quá trình đặt vé”, anh Minh bức xúc.

{keywords}
Việc nhận cuộc gọi từ các hãng taxi sân bay lạ một ngày trước chuyến bay đang trở nên rất phổ biến.

"Gần đây họ còn ‘hiện đại’ hơn khi sử dụng tổng đài gọi tự động, gọi đến bằng nhiều đầu số và thậm chí còn biết cả số điện thoại thứ 2 của mình dù mình không dùng số này để đặt vé trong chuyến bay gần nhất. Có vẻ họ đã thu thập được kho thông tin cá nhân khách mua vé máy bay rất đầy đủ”, khách bay này nhận định.

Việc hãng xe gọi cho khách bay trước ngày cất cánh đã trở nên rất phổ biến, thậm chí có khách hàng còn chia sẻ “tưởng đây là một dịch vụ của hãng hàng không vì các hãng xe gọi rất đều đặn, cứ trước ngày bay một ngày là có hãng xe gọi”. Rõ ràng anh Minh không phải là trường hợp duy nhất đang bị rò rỉ thông tin cá nhân khi đặt vé máy bay.

Tình trạng này diễn ra với cả khách bay của Vietjet Air và Jetstar Pacific. Sau khi đặt vé đi TP.HCM trên chuyến bay VJ153 ngày 26/10 của Vietjet Air, chị T. Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nhận được 3-4 cuộc gọi mời dùng taxi lên sân bay. 

Liên lạc ngược trở lại những đầu số đã chào mời xe taxi cho anh Minh, Zing.vn nhận được những đoạn trả lời tự động với nội dung chào mừng người gọi đã liên hệ tới tổng đài của công ty Mega Nội Bài hay của “dịch vụ xe riêng đi Nội Bài”.

Theo quảng cáo từ máy trả lời tự động, mỗi chuyến xe đi từ trung tâm Hà Nội lên sân bay Nội Bài có giá cước khoảng 130.000-160.000 đồng tuỳ hãng và khoảng 220.000 đồng cho chiều ngược lại. Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao hãng xe có được số điện thoại của khách bay thì nhân viên tổng đài của hãng xe cho hay “chỉ tiếp nhận số điện thoại từ bộ phận kinh doanh”.

Đặc biệt, theo khảo sát, những khách bay đặt vé qua các đại lý vé máy bay lại không bị các hãng taxi “khủng bố” cuộc gọi rác. Điều này trái ngược với nhận định của các hãng bay vào cuối năm 2017 khi cho rằng khả năng lớn thông tin cá nhân của khách hàng bị rò rỉ qua các đại lý vé máy bay.

{keywords}
Thay vì gửi tin nhắn quảng cáo, các hãng taxi sân bay đang chuyển sang hình thức cuộc gọi tự động.

Theo đại diện Vietnam Airlines, quá trình phối hợp cùng cơ quan công an để điều tra đầu mối rò rỉ thông tin khách hàng đang có chuyển biến tích cực. Vị này cũng chia sẻ doanh nghiệp đang nỗ lực để xử lý dứt điểm tình trạng trên, tuy nhiên cũng thừa nhận đây là mục tiêu khó khăn vì hệ thống qua nhiều bước và luôn có yếu tố con người.

Luật sư Phạm Duy Khương, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho hay nếu một số điện thoại quấy rối khách hàng từ 2 lần trở lên, các đơn vị tiếp thị qua điện thoại đã vi phạm Điều 10.2 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó nếu người dùng cho rằng việc bị tiếp thị ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của mình thì có thể khởi kiện được.

Cũng theo luật sư Khương, xét theo Luật An ninh mạng vừa được thông qua, hành vi mua bán bí mật cá nhân của người khác mà gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân thì sẽ bị coi là vi phạm luật theo Điều 17.1.a “Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

(Theo Zing)