- Sông hồ cạn trơ đáy, nứt nẻ, người dân Tây Nguyên phải xoay trở đủ cách để có nước.
Giải pháp tìm nước duy nhất hiện nay là đào sâu, khoan sâu vào lòng đất. Cơn khát tạo nên một "cuộc đua" khoan, đào, thậm chí “mạnh ai nấy đào” trong các thôn, làng.
Hộ ông Lý Dào Chắn (thôn Hiệp Đoàn, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) có gần 3 ha tiêu và cà phê đang độ sung mãn, thế mà từ Tết đến nay bắt đầu khô héo vì nguồn nước tưới ngày một cạn kiệt.
|
Khoan giếng cả trăm mét vẫn không tìm ra nước |
Không thể nhắm mắt nhìn vườn cây chết, ông Chắn chạy vạy vay tiền người thân liên tục thuê thợ về khoan giếng ngay trong rẫy để tìm nước tưới. Từ Tết đến nay, thợ đã khoan đến giếng nước thứ 5 mà vẫn không có nước, có lần khoan sâu 130m cũng chẳng tìm ra giọt nào.
“Giờ khoan tiếp không gặp mạch thì đành nhìn vườn cây chết khô chứ tiền bỏ ra đã hàng chục triệu đồng rồi, không kham nổi nữa”, ông Chắn nhìn vườn tiêu đang vàng lá than vãn.
Ông Hà Duy Đô, trưởng thôn Hiệp Đoàn thở dài: “Căng thẳng lắm rồi". Thôn có 330 hộ thì đã có trên 200 giếng khoan nhưng đa số đã cạn nguồn, hút không ra nước. Trên 700 ha đất canh tác, trong đó khoảng 60% diện tích bị khô hạn do không tìm đâu ra nước tưới.
|
Những giếng nước đào sâu vào lòng đất từ 20-30m nhưng không thấy dấu hiệu của nước |
Đào mãi không được giọt nước
Theo ông Bàn Tôn Nhất, trưởng ban công tác mặt trận thôn Hiệp Đoàn, nguồn nước vùng này trước đây rất dồi dào. Các gia đình chỉ cần đào giếng khoảng 10m là có nước dùng thoải mái.
Vài năm trở lại đây, hạn ngày một nặng, người dân đổ xô khoan giếng khiến mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng.
“Bây giờ người dân khoan giếng sâu đến cả trăm mét cũng chưa chắc tìm thấy nước”, ông Nhất cho biết.
Cách thôn Hiệp Đoàn không xa, ông Lê Cảnh Thu (thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh) cũng đang thuê thợ khoan giếng tìm nước tưới vườn tiêu.
|
Hàng trăm hồ, đập thủy lợi vừa và nhỏ trên khắp Đắk Lắk cạn trơ đáy |
Thợ đã khoan liên tục hơn 10 ngày, mũi khoan đã ăn sâu vào lòng đất khoảng 100m nhưng vẫn chưa thấy có dấu hiệu của nước.
“Càng khoan sâu, mũi khoan liên tục bị dội lại vì gặp đá bàn. Chắc phải ngừng khoan tìm mua nước tưới thôi. Khoản tiền bỏ ra đã hơn 20 triệu mà không thấy hiệu quả gì”, ông Thu cho biết.
Lý giải cho việc đua đào, khoan giếng, anh Phạm Văn Bình (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng cũng chỉ vì nông dân không thể đứng nhìn cà phê, tiêu chết khô.
"Cây khô hạn thì phải tìm đủ cách cứu. Nếu đào giếng này không có nước thì đào giếng khác”.
Một hồ thủy lợi tại huyện Ea H’leo chỉ còn sót lại vũng nước nhỏ |
Theo ông Phạm Quang Mười (trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar), do sông hồ khô cạn, để có nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt, giải pháp duy nhất bây giờ chỉ là đào hoặc khoan giếng. Nhưng đua nhau đào cũng chỉ càng làm cho tình trạng khan hiếm nước trầm trọng hơn.
"Chúng tôi biết, nhưng không thể kiểm soát được”, ông Mười nói.
Lượng nước ngầm sụt giảm
Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên - Môi trường Đắk Lắk) thực hiện cuộc khảo sát cho thấy, huyện Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ, Krông Năng, Cư M’gar… cứ trên 1 km2 (đất nông nghiệp xen lẫn khu dân cư) có tới 120-180 giếng đào, khoan lớn nhỏ để lấy nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt với tần suất hơn 200 triệu lít/ngày đêm.
Điều đáng nói, cứ mùa khô năm sau thì số giếng khoan, đào tăng hơn năm trước. Độ sâu theo đó cũng không ngừng gia tăng.
|
Đào vét, ngăn đập tìm nước tưới tại Cư M’gar |
Việc khai thác tài nguyên nước ngầm ở đây được cảnh báo đã vượt mức an toàn.
Nếu như những năm 2000, lượng nước ngầm khai thác khoảng 4 - 4,2 triệu m3/ngày đêm, thì nay có thể lên tới hơn 6 triệu m3, trong đó lượng nước ngầm được khai thác vào những tháng mùa khô chiếm khoảng 80%.
Việc khai thác nước ngầm tràn lan đã khiến mực nước ngầm tại Tây Nguyên sụt giảm trung bình từ 4 - 6m qua từng năm.
Nếu không kiểm soát, cứ để nước ngầm bị khai thác "vô tội vạ" như hiện nay, khô hạn tại Tây Nguyên sẽ như quả bóng hơi không ngừng phình ra. Hậu quả hạn hán sẽ ngày càng khốc liệt.
Trùng Dương
Tiếp: Đô thị khát nước sạch
LOẠT BÀI HẠN, MẶN Ở ĐBSCL: |