Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh, năm 2023, công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên, tỉnh Tây Ninh được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tặng giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2023, lĩnh vực “Thành phố điều hành quản lý thông minh (IOC)”. Đây là sự ghi nhận nỗ lực lớn của tỉnh trong công tác chuyển đổi số.

Có được kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của nguồn nhân lực an toàn thông tin của tỉnh.

Xác định nguồn nhân lực an toàn thông tin  là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số thành công, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3639/KH-UBND về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin mạng góp phần triển khai đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện Chương trình Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số - xã hội số và Đô thị thông minh của tỉnh.

Kế hoạch chú trọng vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 hướng đến mục tiêu cụ thể là 100% nhân sự chuyên trách công nghệ thông tin và an toàn thông tin tại các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm; 100% Lãnh đạo các cấp được truyền thông các kiến thức về quản lý, nhận thức và tầm quan trọng của về an toàn thông tin; 100% thành viên đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng được đào tạo hằng năm, được bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và thường xuyên đào tạo, cập nhật về chuẩn hóa kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin và nghiệp vụ an toàn thông tin nâng cao, đào tạo theo hình thức thực tập thực tế, tại chỗ; 360 lượt cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin khi làm việc được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin.

W-anhminhhoa-2.png
Ảnh minh hoạ

Đầu năm nay, Tây Ninh tiếp tục ban thành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành đội ngũ nhân lực, chuyên gia an ninh mạng đủ kỹ năng, trình độ, đáp ứng yêu cầu của bộ, ban, ngành, địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Bên cạnh đó, có chế độ, chính sách để thu hút, tuyển dụng, giữ chân được đội ngũ nhân lực, chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng; nâng cao năng lực quốc gia về an ninh mạng; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác công tư về đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng...

Cụ thể: đào tạo 100 lượt cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh; đào tạo 5 chuyên gia an ninh mạng chất lượng cao; đào tạo 100 lượt cán bộ của các sở ban ngành tỉnh, các cơ quan, tổ chức đang được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành các hệ thống thông tin chính phủ điện tử, hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước. 

Ngoài ra, tổ chức tối thiểu 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đào tạo ngắn hạn về an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước; tối thiểu 10 lớp đào tạo, tập huấn cho tổ chức và cá nhân theo nhu cầu.

Việc đào tạo chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về an ninh mạng phải bảo đảm yêu cầu về trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ, công nghệ thuộc lĩnh vực an ninh mạng.

Hình thức đào tạo gồm đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học; đào tạo chuyên gia, đào tạo nâng cao; đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng; các hình thức đào tạo khác theo quy định của pháp luật. Các nội dung đào tạo gồm đào tạo về chính trị, tư tưởng; nghiệp vụ an ninh mạng; kiến thức, kỹ năng an ninh mạng.

Đối tượng đào tạo gồm lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; lực lượng bảo vệ an ninh mạng tại các sở, ban, ngành, địa phương; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh mạng; đội ngũ lãnh đạo quản lý và cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước; giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên về an ninh mạng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học về an ninh mạng; tài năng trẻ về an ninh mạng; công dân Việt Nam có nhu cầu đào tạo về an ninh mạng.

Nguồn tuyển chọn phục vụ đào tạo cụ thể như sau: Đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc từ hệ thống các học viện, trường đại học, trung tâm đào tạo chuyên ngành của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ sở đào tạo về an ninh mạng và công nghệ thông tin; cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi về công nghệ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn về an ninh mạng tại các đơn vị chuyên trách trong và ngoài Công an nhân dân, Quân đội nhân dân; thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn qua cuộc thi “Tuyển chọn tài năng an ninh mạng” do Bộ Công an tổ chức hằng năm.

Đối với nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao, cần đảm bảo các nội dung như trên; ký cam kết với Bộ Công an trước khi được cử đi đào tạo và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết.

Đức Yên và nhóm PV, BTV