Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh tạo ra phương thức quản lý xã hội, quản lý kinh tế mới. |
Chỉ số đo lường trong phát triển Chính phủ điện tử
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu từ một bộ phận cán bộ công quyền, làm tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khi triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và Dịch vụ công trực tuyến mức 4, người dân và doanh nghiệp có thể làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần có kết nối Internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện trên môi trường mạng. Người dân chỉ cần đến duy nhất 1 lần để nhận kết quả và thanh toán lệ phí tại cơ quan cung cấp dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng từng chia sẻ: “Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng nhất trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ. Các Bộ, ngành, địa phương triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn”.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng nhất trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ |
Dịch vụ công trực tuyến: đáp ứng đòi hỏi tất yếu về chuyển đổi số
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh mới đây đã ban hành kế hoạch nâng số lượng hồ sơ cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhằm triển khai kịp thời các nội dung của Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn; Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.tayninh.gov.vn.
Theo lãnh đạo tỉnh này, mục tiêu trước mắt là tiến nhanh tới việc số hóa hồ sơ, giấy tờ; chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; giảm tiêu cực phiền hà, giảm tối đa thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính.
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Tây Ninh. |
Hiện tại, tỉnh Tây Ninh đưa vào danh mục thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gồm có 1.818 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh có 1.432 thủ tục, cấp huyện 251 thủ tục và cấp xã có 135 thủ tục.
Những kết quả mà Tây Ninh đã đạt được tính đến tháng 5/2021 được đánh giá là rất tích cực, trên bình diện công cuộc cải cách hành chính nói chung và việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của cả nước. Cụ thể: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 1.818/1.877 TTHC, đạt 96,8% trên tổng số thủ tục hành chính của tỉnh (đạt 100% TTHC của tỉnh đủ điều kiện đưa lên mức độ 4); tỷ lệ tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 969/1.818, đạt 53,3%, đạt mục tiêu năm 2020 nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ (tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia).
Được biết, trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến trình, đi đến hoàn thiện nhiệm vụ này, bao gồm: tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp; đưa ra các chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến (giảm thời gian xử lý, chuyển trả hồ sơ đến tận nơi); cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp, giúp người dân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp nhất với họ; Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc: hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, Internet cho người dân; trợ giá điện thoại thông minh cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; hỗ trợ máy tính; điểm truy cập Internet công cộng; kết nối hệ thống mạng Wi-Fi miễn phí tại các khu vực đông dân cư để người dân tiếp cận dịch vụ…
Như vậy, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử là những thành tố quan trọng bước đầu để xây dựng đô thị thông minh. Phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện cuộc cách mạng của toàn dân, không chỉ là cách mạng công nghệ mà là cách mạng thể chế: Chuyển đổi số - ở cấp độ các tỉnh, thành, địa phương là chuyển đổi sang 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
H.S