Hôm 8/10 vừa qua, “Bộ giải pháp công nghệ số hỗ trợ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Tây Ninh” của tỉnh Tây Ninh được vinh danh tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024 ở hạng mục ‘Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc’. Bộ giải pháp cung cấp các tính năng quản lý, điều hành, giám sát dữ liệu thông minh và các ứng dụng di động dùng chung cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Giải thưởng này là minh chứng cho sự nỗ lực của Tây Ninh nhằm góp phần xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến sự tiện ích của người dân và doanh nghiệp.

w tay ninh 1 9831.jpg
Sở TT&TT tỉnh Tây Ninh được vinh danh với “Bộ giải pháp công nghệ số hỗ trợ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Tây Ninh”. 

Được biết, giai đoạn 2021 - 2030, cải cách hành chính tỉnh Tây Ninh đã và đang tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Để làm tốt các nội dung này, thời gian qua tỉnh Tây Ninh đã có sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách, quy định liên quan đến Cải cách thủ tục hành chính mà giải pháp quan trọng đầu tiên là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đặc biệt, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong việc triển khai các hệ thống phần mềm quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân có thể thực hiện các giao dịch hành chính mọi lúc, mọi nơi. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho các cơ quan hành chính mà còn nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý.

Tuy nhiên do hạ tầng mạng còn bất cập, gây hạn chế, người dân chưa thích nghi với việc thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến; một số thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn phức tạp. Thủ trưởng ở một số cơ quan đơn vị thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; chưa có giải pháp cụ thể trong công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính; thiếu kiểm tra, đôn đốc xử lý vi phạm. Công tác tuyên truyền thiếu thường xuyên, liên tục, đồng bộ. Cán bộ tại các bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục, hồ sơ ở một số nơi chưa phù hợp, thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu chủ động trong việc phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh; còn tình trạng né tránh trong phúc đáp, trả lời kiến nghị liên quan đến cải cách thủ tục hành chính.

Do đó, tính đến ngày 31/10/2024, tỉnh đã hoàn thành 9/16 chỉ tiêu, kế hoạch chuyển đổi số. Trong đó, tỷ lệ nộp hồ sơ trên cổng thông tin trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt thấp. Công tác rà soát cấp độ an toàn thông tin còn chậm so với kế hoạch.

Để tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã yêu cầu đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra; đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số; nhất là các lĩnh vực thuế, tài nguyên - môi trường, đầu tư xây dựng… Các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ về kết nối, phần mềm theo hướng đơn giản hóa để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện; đẩy mạnh và nâng cao số hóa trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, công khai đơn giản hóa thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện các thủ tục hành chính rườm rà để kiến nghị có giải pháp tháo gỡ.

Đồng thời, các đơn vị phát triển mạnh số lượng tổ công nghệ số cộng đồng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cán bộ; tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024.