Tây Ninh sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội
Kế hoạch này đặt rõ mục tiêu về việc thúc đẩy nâng cao các chỉ số về chuyển đổi số của tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, phấn đấu đưa chỉ số DTI của tỉnh vào nhóm khá.
Theo đó, trụ cột "chính quyền số" vào nhóm 25 tỉnh/thành phố dẫn đầu hoặc có điểm số trung bình lớn hơn trung bình cả nước; trụ cột "kinh tế số" vào nhóm 30 tỉnh/thành phố hoặc có điểm số trung bình lớn hơn trung bình cả nước; trụ cột "xã hội số" vào nhóm 30 tỉnh/thành phố hoặc có điểm số trung bình lớn hơn trung bình cả nước.
Để đạt được mục tiêu trên, về "chính quyền số", Tây Ninh sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội. Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội. Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ quan Nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn...
Đối với "kinh tế số", Tây Ninh xây dựng và triển khai các văn bản định hướng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế của tỉnh. Tổ chức nhân sự và mạng lưới doanh nghiệp kinh tế số. Bố trí ngân sách cho phát triển kinh tế số. Xây dựng, số hóa các hạng mục dữ liệu; Mức độ khai thác, sử dụng dữ liệu của doanh nghiệp; Nâng cao mức độ thuận tiện, hiệu quả của dữ liệu do cơ quan nhà nước cung cấp.
Xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phát triển doanh nghiệp công nghệ số; ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử; Triển khai công nghệ nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh ưu tiên chuyển đổi số như y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, nông nghiệp...
Triển khai các giải pháp an toàn, an ninh mạng hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao khả năng bảo vệ, ứng cứu sự cố, xử lý tấn công mạng của doanh nghiệp. Xây dựng giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và kinh doanh số; đào tạo kỹ năng về kinh tế số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về "xã hội số", tỉnh xây dựng và triển khai các văn bản định hướng về phát triển xã hội số ở tỉnh và ở từng địa phương. Bố trí ngân sách cho phát triển xã hội số. Xây dựng, số hóa các hạng mục dữ liệu, mức độ khai thác, sử dụng dữ liệu cho người dân. Nâng cao mức độ thuận tiện, hiệu quả của dữ liệu do cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân.
Hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kiến thức về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; kiến thức về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Xây dựng giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và kinh doanh số; đào tạo kỹ năng về kinh tế số cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm đánh giá cụ thể chi tiết những việc làm được, chưa được
Tây Ninh giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu, sắp xếp lịch để lãnh đạo tỉnh tham gia các hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số; chủ trì, chỉ đạo các cuộc họp liên quan đến cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng "chính quyền số", "kinh tế số", "xã hội số". Tham mưu các nội dung về ứng dụng nền tảng số, công nghệ số phục vụ cải cách hành chính của tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực về chuyển đổi số của tỉnh, tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, chiến lược quốc gia về xây dựng và phát triển "chính quyền số", "kinh tế số", "xã hội số". Hàng năm có đánh giá cụ thể chi tiết những việc làm được, chưa được và tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện.
Các Sở, ngành và các địa phương nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số. Người đứng đầu phải chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Trực tiếp chủ trì xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực giai đoạn 5 năm và hàng năm. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành để tích hợp, chia sẻ với các cơ quan ở Trung ương, các cơ quan ở địa phương, và đặc biệt là tham mưu UBND tỉnh mở dữ liệu ngành cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác, chia sẻ và cập nhật.
Các địa phương như: TP Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh ở địa phương. Các ngành, địa phương quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; Đào tạo kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Song song đó, Tây Ninh cũng lập bảng đánh giá toàn diện về các chỉ số “Nhận thức số”, “Thể chế số”, “Hạ tầng số”, “Nhân lực số”, “An toàn thông tin mạng”, Hoạt động Chính quyền số”, “Hoạt động kinh tế số”, “Hoạt động xã hội số” và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các tiêu chí đã đề ra.
Tân Châu