Từ lỗ nặng sang lãi tiền tỷ 

Chia sẻ tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà”, anh Nguyễn Đăng Cường - Giám đốc Công ty TNHH Lucavi (Thuận Thành, Bắc Ninh) thừa nhận, khoa học công nghệ là vấn đề lớn và thật sự quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

“Mỗi con vịt trời bán ở chợ quê giá chỉ được 150.000 đồng, nhưng qua công nghệ chế biến của Nhật thì giá lên tới 40 USD/con (khoảng 900.000 đồng). Chính vì thế, nông dân rất cần được hỗ trợ về công nghệ, đặc biệt là khâu chế biến, để gia tăng giá trị hàng hóa”, anh Cường dẫn chứng.

Từng nhiều lần thất bại, lỗ cả trăm triệu và đứng trước bờ vực phá sản, nhưng nhờ kiên trì mày mò, nghiên cứu, mô hình nuôi lươn công nghệ cao của ông Nguyễn Thanh Tân (Long Hồ, Vĩnh Long) cũng mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. 

"Điều cực kỳ đặc biệt của trang trại là Zalo, Facebook, website chiếm hơn 90% lượng khách. Chúng tôi là đơn vị tiên phong về thương mại điện tử với sản phẩm này - một thành công rất lớn", ông Tân chia sẻ.

{keywords}
Trồng rau thuỷ canh có thể thu thu tới 4 tỷ đồng

Hay mô hình trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh theo công nghệ Nhật Bản của nông dân Trần Văn Tân - Chủ trang trại Queenfarm (Thanh Hóa) - là điển hình cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao thành công và cho thu tiền tỷ.

Trang trại của ông Tân đang áp dụng quy trình tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel và mô hình công nghệ sản xuất của Nhật Bản. Nhờ đó, giúp tăng năng suất và sản lượng của cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất truyền thống.

Hiện dưa Taki trồng trong nhà lưới được 3 vụ/năm, mỗi vụ 30 tấn, mỗi năm doanh thu đạt 5,4 tỷ đồng. Chỉ tính giá bình quân 20 triệu đồng/tấn từ rau thủy canh cũng thu về trên 4 tỷ đồng/năm, ông Tân cho hay.

Bà Vũ Thị Minh - chuyên gia kinh tế (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhìn nhận, cùng với sự hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn để khai thác lợi thế địa phương, việc ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp đã ngày càng được chú trọng hơn, từ đó tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp.

Như ở Hà Nam, nông nghiệp công nghệ cao tạo ra giá trị sản xuất từ 1,2-1,4 tỷ đồng/ha/năm đối với khu vực sản xuất ngoài trời và 3-4 tỷ đồng/ha/năm đối với sản xuất trong nhà kính, bà Minh chia sẻ. 

Cần vốn và người định hướng áp dụng KHCN

Thành công với mô hình nuôi lươn công nghệ cao cũng như ứng dụng được thương mại điện tử vào kinh doanh sản phẩm, ông Nguyễn Thanh Tân cho biết, năm 2021 trang trại dự kiến tăng lên 10 triệu con lươn giống cùng 100 tấn lươn thương phẩm, tổng doanh thu ước đạt khoảng 35 tỷ đồng, lợi nhuận trên 10 tỷ đồng. Song, để mở rộng sản xuất lại gặp khó khăn về nguồn vốn. 

Theo ông, ngân hàng cho vay không khó nhưng vẫn đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, trong khi phần lớn trang trại là đất thuê nên khi thẩm định, giá trị tài sản không lớn, số tiền vay được không đủ đáp ứng nhu cầu. Quỹ khởi nghiệp của tỉnh cũng tạo điều kiện để ông tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng số tiền vay được không nhiều so với mong muốn.

“Thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên trang trại của tôi mới chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu của khách hàng, một con số cực kỳ thấp”, ông Tân nói và hy vọng lãnh đạo các Bộ, ban ngành xem xét các nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp như cho vay không hoàn lại hay ưu đãi lãi suất thấp.

{keywords}
Nông dân cần vốn và định hướng để áp dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp

Anh Nguyễn Đăng Cường cũng thừa nhận, bên cạnh yếu tố sống còn với người nông dân là vốn đầu tư thì việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp là vấn đề rất lớn. Đặc biệt, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại không đơn giản với những nông dân “dám” khởi nghiệp.

Chia sẻ về sản phẩm vịt trời được đối tác Nhật Bản mời cộng tác, đưa công nghệ chế biến thành sản phẩm vịt trời hun khói, anh Cường chia sẻ về mặt KHCN anh phải tự mày mò tìm hiểu là chính.

Theo anh Cường, việc tiếp cận khoa học và kỹ thuật thật sự không thiếu. Nông dân nào cũng có thể sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh và kết nối mạng. Trong thế giới phẳng tràn ngập thông tin, việc tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng, lai tạo, ghép giống, làm nhà kính,... không còn khó khăn nữa, thậm chí họ còn bị ngộ độc vì quá nhiều thông tin.

“Chúng tôi rất cần các nhà khoa học định hướng, hướng dẫn cho chúng tôi. Định hướng làm sao để phù hợp với trình độ chuyên môn và phù hợp với nhận thức, phù hợp với mô hình, loại hình nông nghiệp - nghĩa là phù hợp trong điều kiện thực tế sản xuất mới là quan trọng”, anh Cường nói.

Về vốn và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận, cách trồng lúa bây giờ rất khác với mô hình trồng lúa từ xưa. Điểm khác biệt lớn nhất chính là công nghệ, công nghệ tạo ra cách làm mới, tạo ra sản xuất mới, hiệu quả cao hơn. Nhưng muốn có công nghệ thì phải có vốn. Cho nên, vai trò của nhà nước, nhà băng là hỗ trợ vốn cho nhà nông để cải tiến sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại hơn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Thị Minh cũng cho rằng, cần đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay; phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay,... bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tâm An