Nga vừa phóng tên lửa Roscosmos Soyuz 2-1b từ sân bay vũ trụ Plesetsk mà không gặp bất cứ trở ngại nào, kể cả khi bị một tia sét đánh trúng khi nó đang bay lên.
Vào lúc 13:23 phút ngày 27 tháng 5 theo giờ Việt Nam, tên lửa này đã cất cánh để mang vệ tinh Glonass-M lên quỹ đạo. Chỉ vài giây sau khi cất cánh, sét đã đánh trúng nó. Vụ việc được quay lại và chia sẻ trên Twitter bởi chính giám đốc của Roscosmos, ông Dmitry Rogozin.
“Sấm sét không phải là trở ngại", ông nói và chúc mừng đội bay.
Tia sét đánh trúng tên lửa nhưng không gây ảnh hưởng gì đến chuyến bay, nó vẫn tiếp tục cuộc hành trình dài 3,5 tiếng để đến quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất. Bộ Quốc phòng Nga cho biết vệ tinh được tên lửa chở theo vẫn hoàn toàn bình thường.
Sét đánh là sự cố rất hiếm khi xảy ra khi phóng tên lửa, vì kế hoạch phóng đã được tính toán cực kỳ kỹ lưỡng và chỉ phóng vào những ngày trời trong mây tạnh, tuy nhiên vẫn có những trường hợp “người tính không bằng trời tính".
Năm 1969, tên lửa Saturn V hai lần trong quá trình phóng tàu vũ trụ Apollo 12 của NASA lên Mặt trăng đã bị sét đánh trúng không những một mà đến hai lần. Sự việc xảy ra trong điều kiện thời tiết có mây, nhưng hoàn toàn không có bão, gây ra một số nhiễu loạn trên tàu nhưng cuối cùng vụ phóng vẫn thành công. Tàu Apollo 12 cùng ba phi hành gia bên trong đã bay tới Mặt Trăng thực hiện nhiệm vụ như kế hoạch.
Đó là một bài học kinh nghiệm và rất may là chỉ gây thiệt hại tối thiểu. Hiện tại, các sự kiện phóng tên lửa của NASA đều có hướng dẫn thời tiết chặt chẽ hơn, và khả năng chống sét đã được tích hợp vào các hệ thống phóng, cũng như chính tên lửa.
Tất cả các tên lửa của Roscosmos đều được thiết kế để chống lại những hiện tượng như vậy.
Theo GenK