Tiếp nối phần 1 của bài viết: Tencent, Facebook của Trung Quốc và những chuyện “thâm cung bí sử”, ICTnews xin được gửi đến độc giả phần kết của bài viết về hãng công nghệ Trung Quốc này.;

Ngoài tài năng, sự đi trước trên thị trường, tính “mềm dẻo” khi động đến các yếu tố chính trị, Tencent còn là một ông lớn chuyên hà hiếp các đối thủ nhỏ.

Tencent vươn ra toàn cầu

Trong năm 2012, chỉ với một từ, Tencent đã tuyên bố triết lý mở rộng ra toàn cầu. Từ đó là “WeChat”, tên Tiếng Anh cho phiên bản quốc tế của Weixin. WeChat, một ứng dụng có hầu hết các chức năng nổi bật nhất của Weixin, được quảng bá mạnh mẽ trên khắp khu vực Đông Nam Á và nhờ đó đã thu hút hơn 100 triệu người sử dụng bên ngoài Trung Quốc chỉ trong mùa hè năm 2013. Cũng trong năm đó, WeChat trở thành ứng dụng nhắn tin được tải về nhiều nhất tại Ấn Độ.

Dù là một ứng dụng quốc tế, cái bóng của chính phủ Trung Quốc vẫn theo đuôi WeChat. Chính phủ Ấn Độ đã tỏ thái độ quan ngại khi WeChat trở thành một “mối lo ngại về an ninh”. Các nhà hoạt động Tây Tạng bên ngoài Trung Quốc đã khuyên cộng đồng người dùng của mình chuyển sang một ứng dụng nhắn tin khác. Hu Jia, một người bất đồng chính kiến tại Trung Quốc đã tuyên bố các quan chức Trung Quốc biết về điều này và gọi WeChat là “một vũ khí giám sát ngay trong túi bạn”.

Hiện nay tại Mỹ, WeChat được hầu hết những người nước ngoài gốc Hoa sử dụng để trò chuyện với những người bạn ở quê nhà. Tuy nhiên các chuyên gia internet cho rằng ở Mỹ mọi chuyển sẽ khác. Tại Mỹ, ít nhất sẽ có sự kiểm soát pháp lý nào đó và không phải cơ quan an ninh chính phủ muốn dữ liệu nào là cũng có thể truy cập vào được.

Chưa rõ nỗ lực tiến ra thị trường quốc tế và “nuốt chửng thế giới” của Tencent là như thế nào, nhưng hiện tại Tencent đang tiến hành thâu tóm và đầu tư vào nhiều công ty sở hữu những công nghệ mà họ cho rằng có thể có ích cho Tencent. Cuối mùa thu năm 2014, Tencent rót 22 triệu USD vào công ty Plain Vanilla Games, cha đẻ của game giải đố nổi tiếng QuizUp. Theo ông Piers Harding Rolls, người đứng đầu nhóm phân tích về ngành công nghiệp game tại trung tâm Công nghệ IHS Luân Đôn: “Họ [Tencent] đang xây dựng năng lực để cung cấp những trải nghiệm giải trí trực tiếp từ nhà cung cấp đến người sử dụng cuối”.

Nếu có ý định ồ ạt đưa sản phẩm của mình vào Mỹ, tầm cỡ của Tencent chắc chắn sẽ biến nó thành một đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp tại đây. Chẳng hạn như gần đây, Tencent đã đưa ra chính sách cung cấp 10 TB dung lượng lưu trữ đám mây miễn phí cho người sử dụng, tức là lớn hơn gấp 100 lần so với dung lượng miễn phí của cả Dropbox, Box, Microsoft SkyDrive, Google Drive và Mega cộng lại. Nếu bạn muốn có 10 TB lưu trữ trên Google, mỗi tháng bạn sẽ phải trả 100 USD

Chim cánh cụt không chơi đẹp

Không phải mối quan hệ mới nào với Tencent cũng kết thúc có hậu. Zynga từng là công ty đối tác của Tencent trong game CityVille tại Trung Quốc năm 2011, thế nhưng thương vụ này đã nhanh chóng chấm dứt. Một vài năm sau, khi được hỏi về điều gì đã thực sự phá hoại mối quan hệ này, vì nó không tạo ra đủ doanh thu hay nó đã được tung ra không đúng lúc, một cựu nhân viên của Zynga cho biết: “Những cuộc thương lượng kéo dài hàng tháng trời, và sau đó, khi bạn đã bước tới giai đoạn cuối cùng trong hợp đồng, tất cả mọi thứ biến mất vào phút chót, họ thay đổi tất cả mọi thứ. Đó là chiến thuật kinh doanh họ sử dụng để làm đối tác kiệt sức”.

Tencent nhận được rất nhiều chỉ trích kể từ thời điểm tung ứng dụng nhắn tin QQ giống hệt như ứng dụng ICQ của Israel. Cựu nhân viên của Zynga cũng tiết lộ thêm: “Tencent khá khét tiếng trên thị trường. Họ đưa ra những điều khoản kinh khủng và bòn rút bạn”. Một nhà đầu tư công nghệ hiểu rõ về thị trường Trung Quốc còn bổ sung: “Mọi người nói đùa rằng họ được gọi là Tencent bởi bạn sẽ nhận được 10 cent trong mỗi USD bỏ ra” [“Ten” trong tiếng Anh có nghĩa là 10. Tencent có âm giống “Ten cent” tức là 10 cent, 1 USD = 100 cent]

Năm 2010, trước khi Weixin ra đời, trên bìa tạp chí China Computer World từng đăng tải một bức ảnh với dòng chữ lớn “Dog-fucking Tencent” [Tạm dịch: “Bọn chó Tencent”]. Bài viết trong tạp chí chỉ trích công ty này về các vấn đề như sao chép và đàn áp đối thủ. (Sau đó tạp chí này đã phải lên tiếng xin lỗi nếu nó tạo ra bất cứ “tác dụng ngược nào”). Bài báo có đoạn viết: “Tencent chưa bao giờ là người đầu tiên ăn cua (thành ngữ trong tiếng Trung, có ý nghĩa là người đầu tiên thử điều gì đó mới). Nó chỉ tìm kiếm chỗ luồn lách vào các thị trường đã phát triển”.

Tencent nhanh chóng phản ứng lại cuộc tấn công của tờ tạp chí này: “Tencent là một công ty chu đáo và có trách nhiệm. QQ là một thương hiệu được cả nước biết đến. Nhiều năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để cung cấp các dịch vụ Internet cao cấp cho cộng đồng và khiến đời sống của người sử dụng giàu có và tiện nghi hơn”.

Thế nhưng những lợi buộc tội vẫn tiếp tục. TalkBox, công ty có trụ sở tại Hồng Kông đã kể với Fast Company về câu chuyện điển hình của mình. Năm 2011, công ty này tạo ra một ứng dụng “hot” với chức năng nhắn tin thoại. Ông Jacqueline Chong, giám đốc marketing của TalkBox nói: “Đầu mối liên lạc bên Trung Quốc của chúng tôi cho biết Tencent nhận thấy chức năng của chúng tôi rất hấp dẫn”. Tencent bắt đầu nói chuyện với TalkBox về khả năng mua lại ứng dụng này nhưng cùng lúc đó, Tencent bổ sung thêm chức năng nhắn tin thoại vào ứng dụng Weixin. TalkBox mất niềm tin ở Tencent và cuộc thương thảo bị dẹp bỏ.

Chong cho biết: “Chúng tôi đã trở thành nạn nhân”. Thế nhưng phía Tencent một mực bác bỏ việc mình đánh cắp bất cứ thứ gì. Người quản lý bộ phận sản phẩm của Tencent tuyên bố: “TalkBox đã tạo nên nguồn cảm hứng cho chúng tôi, nhưng nhắn tin thoại là một chức năng cơ bản của mọi ứng dụng chat, kể cả WeChat. Bên cạnh đó, tính năng khiến chúng tôi khác với các đối thủ cạnh tranh đó là ‘People Nearby’. Sau đó, người dùng của chúng tôi bắt đầu tăng và chúng tôi mở rộng thêm các ứng dụng khác”.

Những hành động như thế này phù hợp với câu chuyện muôn thủa: ăn cắp bản quyền. Từ những chiếc túi xách hàng hiệu xa xỉ đến phần mềm máy tính, chính chúng đã ngấm ngầm tạo nên điều kỳ diệu về kinh tế cho Trung Quốc trong vòng nhiều thập kỷ qua. CEO Tencent, Pony Ma thậm chí không hề phủ nhận điều đó mà còn cam kết sẽ làm tốt hơn thế: “Tại Mỹ, khi bạn đem ý tưởng của mình ra thị trường, bạn luôn có một vài tháng trước khi các đối thủ tung ra những sản phẩm tương tự, như vậy bạn sẽ có thời gian để nắm được một lượng thị phần đáng kể. Nhưng ở Trung Quốc, bạn có thể có vài trăm đối thủ chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ kể từ khi sản phẩm ra mắt. Ý tưởng không phải là thứ quan trọng ở Trung Quốc, cách thức thực hiện mới là quan trọng”.

Chèn ép đối thủ không phải là chuyện chỉ xảy ra ở Trung Quốc, tại Mỹ, các công ty công nghệ cũng làm điều tương tự. Microsoft nổi tiếng vì hà hiếp các công ty nhỏ bị hãng coi là đối thủ. Facebook cũng bị buộc tội sử dụng thủ đoạn tương tự. Amazon nổi tiếng vì tấn công “thô bạo” hãng bán lẻ tã giấy Quidsi.

Ban đầu, Amazon cảnh báo Quidsi về việc hãng này đang bước chân vào “địa phận” của Amazon, sau đó hãng này giảm giá hết mức các sản phẩm dành cho bé và tã giấy. Cuối cùng, nhà sáng lập Quidsi đã đồng ý thương lượng với Amazon. Một thời gian sau, Amazon ra mắt dịch vụ mới có tên gọi Amazon Mom còn hãng Quidsi đã bị bán năm 2010.

Đó chính là điều đang chờ đợi Tencent ở khu vực Thái Bình Dương và công ty này cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc “chơi dữ”.

Cuộc chiến tại Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn

Trước khi Tencent có thể thực sự dành mọi nỗ lực cho công cuộc “chinh phạt toàn cầu”, nó vẫn còn một cuộc chiến khốc liệt không kém ngay trên sân nhà. Đối thủ trực tiếp của Tencent là Alibaba và Sina. Alibaba đã bỏ 586 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần của Sina và đồng thời tung ứng dụng nhắn tin cạnh tranh trực tiếp với Weixin của Tencent. Alibaba cũng đang phát triển nền tảng game riêng của hãng và cho phép các nhà phát triển hưởng tới 70% lợi nhuận. Đây chính là đòn giáng mạnh vào Tencent bởi công ty này dù bán hơn 850.000 ứng dụng nhưng bên hưởng 70% lợi nhuận lại không phải là các nhà phát triển.

Thế nhưng ông Bill Fan, nhà phân tích của sàn chứng khoán Guosen, Hồng Kông cho rằng: “Alibaba mới là kẻ đang lo lắng hiện nay. Pony Ma giống như một con bọ cạp. Ông ta không nói nhiều nhưng luôn nghĩ về các chiến lược. Ông ta giấu cái lưng của mình đi nhưng lại rất tập trung và sau đó sẽ tấn công”.