Ngày 6/8, người đàn ông 42 tuổi, nhân viên xe bus tại Hà Nội, được ghi nhận là bệnh nhân 714 mắc Covid-19. Người này trước đó từng đi du lịch Đà Nẵng, được test nhanh (xét nghiệm kháng thể) âm tính.
Sau đó, người nay đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trước khi phát bệnh và được xét nghiệm lại bằng RT-PCR với kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Hơn 70.000 mẫu xét nghiệm nhanh người từ Đà Nẵng về Hà Nội âm tính cho thấy nguy cơ rất lớn nếu một trong số những người này mắc Covid-19 nhưng chủ quan không cách ly đủ 14 ngày.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bản chất của xét nghiệm test nhanh là tìm kháng thể mà cơ thể sinh ra khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, không phải người nào nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng sinh ra kháng thể và kháng thể cũng không được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm virus.
Rất nhiều nghiên cứu về Covid-19 cho thấy chỉ có 23% người nhiễm SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người nhiễm 2 tuần mới có kháng thể và 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.
Bởi vậy, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể nếu dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh hay không.
Xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó đã thực sự an toàn. Nếu một người bị nhiễm virus ở giai đoạn đầu khi chưa có kháng thể, xét nghiệm chắc chắn cho kết quả âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Một điểm test nhanh SARS-CoV-2 tại Hà Nội |
Cùng quan điểm như trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho rằng xét nghiệm test nhanh âm tính chỉ có lợi trong vấn đề xác định thời gian dịch bệnh xâm nhập vào một vùng nhất định, mang ý nghĩa đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, không có ý nghĩa trong vấn đề cách ly.
Theo nguyên tắc, một người từ vùng dịch về phải cách ly tại nhà đủ 14 ngày. Nếu có kết quả test nhanh âm tính, người đó vẫn phải cách ly đủ 14 ngày, như vậy việc test nhanh với mục đích cách ly là không cần thiết.
Để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, phải xét nghiệm tìm kiếm sự hiện diện của thành phần cấu tạo virus trong cơ thể. Hiện nay, xét nghiệm phổ biến nhất là tìm kiếm các đoạn gen của virus bằng kỹ thuật RT-PCR, ngoài ra còn có xét nghiệm nuôi cấy phân lập virus.
Xét nghiệm này được thực hiện trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp, có thể phát hiện người nhiễm virus ở những giai đoạn rất sớm, kể từ khi người bệnh chưa biểu hiện bệnh. Đây là xét nghiệm được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dùng để chẩn đoán chính xác một người có đang bị nhiễm bệnh hay không.
Tuy nhiên, để thực hiện RT-PCR cần có phòng xét nghiệm được trang bị đủ phương tiện cần thiết, nhân viên được đào tạo chuyên sâu, tốn kém, mất nhiều thời gian.
Bác sĩ Khanh thông tin, hiện nay, do chưa có dịch vụ xét nghiệm tự nguyện nên Việt Nam thường ưu tiên xét nghiệm RT-PCR trước cho những đối tượng có nguy cơ nhất. Đó là các F1 tiếp xúc trực tiếp với ca dương tính hoặc các trường hợp có liên quan tới ổ dịch (như Bệnh viện Đà Nẵng).
Với các F1 “không kiểm soát”, tức là những người không rõ có vô tình tiếp xúc với các ca Covid-19 trong cộng đồng hay không (hiện nay là nhóm người mới từ Đà Nẵng trở về), cần tự cách ly tại nhà đủ 14 ngày cho tới khi được làm xét nghiệm PCR.
Bên cạnh đó, cần giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên đúng quy định.
Bày tỏ quan điểm về nhận định khoảng 10 ngày nữa là “đỉnh dịch”, bác sĩ Khanh cho rằng, dịch sẽ bị chững lại, không thể lên cao trào nếu người dân làm tốt.
“Lấy ví dụ nếu có 100 ca Covid-19 đang ở trong cộng đồng nhưng tất cả họ và 1.000 người tiếp xúc với họ đều tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách… thì F0 sẽ không thể lây bệnh”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng chống Covid-19 chiều 6/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan xét nghiệm PCR cho tất cả người từ vùng dịch về. Lãnh đạo thành phố cho biết, trước đó, test nhanh là giải pháp kịp thời nhằm khoanh vùng dương tính nhiều, vùng có người đi từ Đà Nẵng về để có biện pháp chặt chẽ hơn, nhưng không phải biện pháp duy nhất. Từ sáng nay 7/8, gần 100.000 người từ vùng dịch Đà Nẵng về Hà Nội ngày 15 đến 29/7 đã được lấy mẫu xét nghiệm PCR. Nếu có sốt, ho, khó thở, những người này sẽ phải cách ly tập trung, F2 phải cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe. |
Nguyễn Liên
Hai người đầu tiên đủ điều kiện hiến huyết tương điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng
Trong 5 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh tình nguyện cho huyết tương, hiện đã có 2 người đủ điều kiện hiến tặng. Số huyết tương đầu tiên này dự kiến sẽ được chuyển ngay vào tâm dịch miền Trung để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Xem video:
Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.