-‘Thịt mỡ’ ‘bánh chưng xanh’ chắc còn lưu truyền mãi mãi, không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của mỗi gia đình trong những ngày Tết

TIN BÀI KHÁC:

Ảnh minh họa

Cho đến nay, ‘cây nêu’, ‘câu đối đỏ’ không còn thịnh hành; ‘tràng pháo’ đã bị cấm từ lâu, nhưng ‘thịt mỡ’, ‘bánh chưng xanh’ chắc còn lưu truyền mãi mãi, không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của mỗi gia đình trong những ngày Tết.

Chỉ có điều, giờ đây, bánh chưng xanh, thịt lợn để ‘trước cúng, sau ăn’ dịp Tết, đều do thị trường cung cấp. Tiện thì tiện thật, song cứ nghĩ đến chuyện bánh  chưng bị luộc lẫn với pin đèn cho đậm đà màu xanh; lợn được nuôi bằng thuốc tăng trọng… thì quả là ngại quá! Ăn mà cứ lo lo thì còn hứng thú gì? Bởi thế, ký ức lại nôn nao nhớ về nồi bánh chưng thủa nào, thu hút mọi thành viên của gia đình tham gia trong khoảng thời gian dài hàng mấy tháng, cứ như là ‘thai nghén’, đủ tuần, đủ cữ mới ‘nở nhụy, khai hoa’ vậy.

Chuẩn bị củi luộc bánh chưng diễn ra trước Tết rất lâu. Trong vườn, cây gỗ nào, bụi tre nào vừa chặt hạ là ông nội gọi ngay thợ đánh củi mang búa rìu đến đánh bật hết gốc, rễ lên; trong nhà có thanh gỗ, tấm ván nào loại ra cũng được trẻ mỏ thu thập lại, chất thành đống củi  dành cho luộc bánh chưng Tết.

Thu hoạch xong vụ mùa, mẹ chọn thúng nếp cái hoa vàng phơi già, rê sạch để gần Tết xay, giã lấy gạo nếp gói bánh. Cối gạo nếp gói bánh chưng giã bằng cần cối dận chân, con trẻ giúp mẹ giã gạo mỏi nhừ tử cả chân vì mẹ thường bắt giã  kỹ hơn các cối gạo khác 200 nhịp chày.

Lợn thì, trước Tết cả tháng, vài nhà gần gặn, thân thiết tổ chức nuôi chung một con tại nhà có điều kiện chuồng trại. Nuôi lợn lấy thịt cho chính gia đình mình ăn Tết, ai cũng dốc công chăm sóc. Tuần này nhà này nuôi, tuần tiếp nhà khác nuôi, cứ thế luân phiên nhau cho đến ngày ‘đánh đụng’ lấy thịt gói bánh chưng.

Hào hứng nhất là hôm gói và luộc bánh chưng. Bà nội đi chợ mua nốt vài thứ cần thiết về, giao những nắm lá dong cho trẻ mỏ rửa sạch, tước cuộng và phân loại lá to, lá nhỏ; ông nội chẻ ống giang thành nắm lạt mỏng; mẹ thì đãi gạo, ướp thịt, đồ đỗ xanh làm nhân. Khâu khó nhất, đòi hỏi kỹ thuật nhất là gói bánh thì ông nội đích thân đảm nhận. Không cần khuôn  mà bàn tay khéo léo của ông nội lấy lá dong gói gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lần lượt thành những chiếc bánh chưng vuông vức, đều nhau tăm tắp. Chẳng bao giờ ông quên gói một chiếc bánh chưng nhỏ, xếp lên trên cùng nồi luộc dành cho con trẻ.

Chỗ luộc bánh chưng là ấm cúng nhất trong gia đình giữa ngày đông tháng giá. Thời gian luộc bánh kéo dài suốt cả đêm hoặc cả ngày, đốt đến hết đống củi tích cóp cả năm, có thế bánh mới rền. Nồi nước đặt trên nồi luộc bánh không chỉ để có nước nóng thường xuyên chế vào luộc bánh, mà còn cung cấp nước nóng cho mọi thành viên trong gia đình tắm gội, vệ sinh đón Tết.

Luộc bánh là khâu ‘áp chót’ trong cả một chuỗi dài thời gian và công việc tạo nên sản phẩm bánh chưng. Thế nên, ngồi quanh nồi bánh, ai cũng cảm thấy thú vị, có tâm trạng náo nức, đợi chờ. Có một ca khúc đã mô tả:

Ôi nhớ xuân nào thủa trời yên vui
Nghe pháo Giao thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Đỏ hây hây những đôi má đào…

Theo cách như vậy, bánh chưng là kết tinh của lao động chuyên cần, của tình cảm đằm thắm, biểu hiện sự hiếu kính của cháu con dâng cúng Tổ tiên ngày Tết, học theo chàng Lang Liêu thủa trước.

Miếng bánh chưng an lành ấy có sức truyền cảm, sức nuôi dưỡng biết bao nhiêu.

Vì thế, xin phép thi sỹ Nguyễn Bính khi ‘chế’ một câu thơ của ông:

Ăn bánh chưng mà…nhớ bánh chưng

Lê Trường Kiên