Trước Tết 2 tuần, dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Gia Lai. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường tại Gia Lai, nhiều đoàn y bác sĩ ở các bệnh viện đã đến hỗ trợ tỉnh phòng, chống dịch, trong đó có hai bóng hồng của Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Khi nào mẹ về ăn Tết với con”
Điều dưỡng Vương Thị Nhật Lệ (thứ 3 từ phải sang) cùng các y bác sĩ lên Gia Lai hỗ trợ chống dịch Covid-19. Ảnh: Liên Anh
Với ThS, điều dưỡng Vương Thị Nhật Lệ, Phó phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), khó khăn không phải là những ngày căng thẳng ở các ổ dịch mà là vượt qua nỗi nhớ con khi đi xa làm nhiệm vụ và sự lo lắng cho người thân.
Chị Lệ chia sẻ, khi chị nhận thông báo công tác, chồng chị cũng về quê, chỉ có 2 con ở nhà. Chị chỉ kịp về nhà lấy đồ dùng và nhờ người thân chăm sóc hai con nhỏ.
“Thấy mình sắp đồ đi công tác, bé nhỏ hỏi, mẹ ơi mẹ đi vào vùng dịch rồi về phải cách ly thêm nữa, sao mẹ ăn Tết với con”, chị Lệ xúc động nhớ lại. Chị cũng chỉ biết động viên con rồi nhận nhiệm vụ.
Chị Lệ cho biết, do tính chất công việc, chị thường đi công tác nên các con cũng quen và hiểu công việc của mẹ. Tuy nhiên, lần này đặc biệt hơn, khi Tết gần kề, chị lại lên đường.
“Cứ được điều động là mình sẵn sàng. Nhưng đây là lần đầu tiên mình không ở bên các con trong dịp Tết”, chị Lệ nói.
Điều dưỡng Vương Thị Nhật Lệ cùng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khảo sát hiện trường để lên kế hoạch xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Gia Lai. Ảnh: NVCC
Chị Lệ chia sẻ, chị có 2 con, bé lớn 13 tuổi, bé út 8 tuổi. Các bé tuy còn nhỏ nhưng đều hiểu chuyện khi nghe mẹ giải thích.
“Từ hôm lên tới giờ, mình mới gọi về cho con 1 lần bởi áp lực triển khai bệnh viện dã chiến cho kịp tiến độ, nhằm đề phòng số người mắc tăng nhanh. Ban ngày, mình cùng mọi người xuống hiện trường khảo sát. Tối về họp để lên bản vẽ, đề án, kế hoạch… ngày nào xong việc cũng đã 12h đêm”, chị Lệ nói.
“Lúc mình xong việc thì con ngủ rồi nên cũng không gọi hỏi thăm các bé được. Mấy hôm nay, bé nhỏ cứ nhắn hỏi, mẹ ơi khi nào mẹ về ăn Tết với con…”, chị Lệ nghẹn ngào.
Chị Lệ cho biết, công việc của chị khi đến Gia Lai là chuẩn bị dụng cụ, thuốc men, công tác chăm sóc, phân luồng, giám sát bệnh nhân, phân chia thức ăn… Tất cả phải lên kế hoạch để quá trình vận hành suôn sẻ, nhanh chóng và chính xác.
“Mình làm ở đây nhẹ nhàng hơn các bạn trực tiếp chăm sóc cho người mắc Covid-19. Dù có nhớ con nhưng vẫn phải tự động viên tinh thần để cùng đồng nghiệp đẩy lùi dịch bệnh”, chị Lệ chia sẻ.
Hai năm đón Tết đều đặc biệt
ThS. BS Võ Ngọc Anh Thơ cùng đồng nghiệp trước khi đến Gia Lai làm nhiệm vụ. Ảnh: BVCC
Hai tuần trước khi lên đường đến Gia Lai hỗ trợ phòng chống dịch, ThS. BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã xung phong đăng ký vào đội phản ứng nhanh của bệnh viện.
Bác sĩ Thơ cho biết, thời điểm này năm ngoái, chị cũng đón Tết ở bệnh viện vì phải trực chiến điều trị cho hai bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam là Li Ding và Li Zichao. Đến nay, với kinh nghiệm của mình, chị tin dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.
“Lúc đó, các bác sĩ chưa biết gì về bệnh, chưa xác định được nguồn lây nên tâm lý ai cũng lo sợ nhất là nguy cơ lây nhiễm ra bệnh nhân và gia đình. Vì vậy, toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị hầu như không được ăn Tết ở nhà. Nhưng may mắn là Thơ được gia đình ủng hộ, vì mọi người thấy công việc của mình tốt cho cộng đồng”, bác sĩ Thơ trải lòng.
“Thêm một năm đón Tết xa nhà cùng đồng đội tại nơi đặc biệt cũng không sao”, bác sĩ Thơ hóm hỉnh nói.
Các bác sĩ tranh thủ buổi tối lên kế hoạch, bản vẽ để kịp thời hoàn thành bệnh viện dã chiến. Ảnh: NVCC
Tham gia điều trị, phòng chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu, bác sĩ Thơ là thành viên chủ chốt của đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy, sẵn sàng lên đường tới các địa phương có dịch. Trước đó, chị cùng các đồng nghiệp từng đến hỗ trợ Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu...
Nhiệm vụ của bác sĩ Thơ khi đến Gia Lai trong đợt này là quản lý, điều trị, theo dõi diễn tiến của bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ Thơ chia sẻ, trước đây, virus SARS-CoV-2 chưa được phân lập và nắm bắt tính chất, đường lây lan nên có nhiều khó khăn. Với kinh nghiệm một năm đương đầu với dịch, lần lên đường này của chị đã dần bình thường nhưng không chủ quan.
“Biến thể của virus SARS-CoV-2 đã thay đổi trên lâm sàng nên có khả năng gây bệnh nặng, độ lây lan sẽ thay đổi nhiều”, bác sĩ Thơ nói.
Dẫu cho xuân đang rộn ràng ngoài kia thì các “chiến sĩ áo trắng” vẫn sẵn sàng gác lại niềm vui sum vầy cùng gia đình, đến vùng dịch với lời hứa “bao giờ hết dịch mới trở về”. Họ sẵn sàng quên đi hạnh phúc cá nhân vì sự bình yên của mọi người.
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát và diễn biến khó lường tại tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế đã điều động các lực lượng đến Gia Lai hỗ trợ phòng, chống dịch như: Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy… Ngay sau khi đến Gia Lai, các lực lượng đã bắt tay vào giúp Gia Lai đẩy nhanh tốc độ truy vết. Đồng thời, họ chia sẻ những kinh nghiệm trong đợt chống dịch vừa qua, nhằm giúp Gia Lai đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy giúp cho Gia Lai thiết lập bệnh viện dã chiến tại khu vực Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Trong đó, trưng dụng khu điều trị chất lượng cao để làm bệnh viện dã chiến. Bệnh viện này sẽ tổ chức cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ban đầu đã có 50 giường bệnh và sẽ nâng số giường theo mức độ lưu hành của bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. |
Liên Anh
Đêm giao thừa đặc biệt tại nơi điều trị gần 200 ca Covid-19 ở Hải Dương
Trong đêm giao thừa tại Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương, guồng quay công việc của các y bác sĩ vẫn không ngơi nghỉ…