Mang tiếng là về quê chồng ăn tết nhưng 9 ngày nghỉ thì có tới 7 ngày tôi phải biến thành ô sin phục vụ không công cho cả họ ăn nhậu. Đã thế họ ăn xong còn nôn ói, cãi lộn, đánh nhau. Đồ ăn thì lanh tanh bành, ngập ngụa như bãi chiến trường…

Mặc dù lấy chồng được 3 năm nhưng mỗi khi nhắc đến Tết chị Nguyễn Nhung (Hà Nội) vẫn phải rùng mình. 

Chị Nhung cho biết chị và chồng kết hôn được 3 năm. Chồng chị là người ngoại tỉnh, cả hai anh chị quen nhau từ hồi đại học, mến tài anh nên chị và anh nhanh chóng quyết định kết hôn, cuộc sống bộn bề nhưng thông cảm hiểu biết lẫn nhau.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như mỗi năm chị chỉ về quê chồng ăn tết, lo hoa quả, cúng đơm, mừng tuổi bố mẹ. Nhưng mỗi khi Tết đến, chị lại ngập ngụa trong bếp, lo đồ ăn thức uống cho những cuộc nhậu của cánh đàn ông trong nhà, trong họ từ sáng đến đêm khuya.

 

{keywords}
Ảnh minh họa

“Làm dâu cả nên tôi phải phải gánh trên vai một mớ trách nhiệm vô cùng nặng nề là phải lo toan toàn bộ những cuộc ăn nhậu của dòng họ. Ban đầu, tôi cứ nghĩ những công việc đó dễ dàng, nhưng không, việc phải chuẩn bị cỗ bàn cho mọi người ăn uống, nhậu nhẹt, rồi chờ họ ăn xong để thu dọn quả không đơn giản chút nào”, chị Nhung tâm sự.

Chị Nhung kể: “8 ngày Tết, bố chồng, chồng, em chồng tôi lao vào những cuộc rượu liên miên. Chồng tôi say suốt, còn tôi và các phụ nữ thì luôn nấu ăn, dọn, rửa.. rồi lại nấu ăn. Hầu như lúc nào những người đàn ông trong gia đình, họ hàng nhà chồng tôi cũng ăn uống. 8h sáng họ đã gọi chúng tôi chuẩn bị đồ nhậu và nhậu đến 10h đêm.

Mà khi ăn nhậu họ hết sức thô lỗ với những cử chỉ vừa nhai, vừa nói, vừa hút thuốc. Họ chỉ ngừng nói khi miệng họ uống hớp rượu hay rít hơi thuốc lá, và chỉ 1 giây là họ tranh nhau nói, tranh nhau cãi cọ và thậm chí la ó, đánh nhau túi bụi”.

“Tôi nhớ năm ngoái, khi tôi vừa chạỵ xuống nhà thì thấy bên trên nhà cảnh cánh đàn ông đang ném bát đũa ầm ĩ. Tôi vội chạy lại kéo chồng về phòng để tránh bị ném oan.

Khi nghe chồng kể lại tôi mới biết có ông anh trong họ hàng có tính hay khoe khoang nên bị mọi người chuốc say, đến khi say anh ta ăn nói hỗn xược nên bị mọi người trong họ thiếu bình tĩnh tấn công. Thế là bát đũa bị trưng dụng làm vũ khí đánh nhau bay vèo vèo. Cuộc ăn nhậu của họ đang tưng bừng bỗng trở thành một bãi chiến trường. Công an xã phải đến để hòa giải thì mọi chuyện mới ổn thỏa”, chị Nhung kể.

Gần chục ngày tết quê chồng, chị  Nhung không có 1 ngày an lành.  “Tết vốn là ngày để con cháu về quê tụ họp, gặp gỡ nhau, gắn chặt tình thân, mừng tuổi bố mẹ.

Nhưng thực tế ở dòng họ chồng tôi chỉ có đàn ông được ăn tết, còn phụ nữ thì vẫn phải làm hết thảy mọi việc từ rửa bát, dọn nấu, loanh quanh từ bếp đến cầu ao nên đầu tóc, quần áo lúc nào cũng rũ rượi…chẳng khác gì một cô ô sin phục vụ không công”.

H.Thúy (Ghi)