Dịch vụ "chia sẻ xe hơi" Uber mới đây vừa công bố mở rộng thị trường hoạt động tại Ba Lan - một quốc gia ở châu Âu. Có tên gọi UberX, dịch vụ này cho phép người dùng sử dụng smartphone để gọi và thuê những người có xe hơi nhàn rỗi chở mình với chi phí thấp. Điều đáng nói là Uber tỏ ra thách thức pháp luật, khi mà chính quyền ở Ba Lan xem dịch vụ này là không hợp pháp. Tại nhiều nước khác trên thế giới, Uber cũng đang phải đối mặt với lệnh cấm vì bị xem là cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp taxi và các công ty kinh doanh vận tải khác.

Phản hồi về động thái thách thức của Uber, các cơ quan quản lý giao thông ở Ba Lan cho biết họ đang chuẩn bị các hình phạt dân sự lẫn hình sự chống lại Uber và các lái xe tham gia dịch vụ này. Uber và lái xe sẽ bị buộc tội "hoạt động không giấy phép".

Theo một lãnh đạo trong ngành giao thông vận tải ở Ba Lan, dù tự nhận là công ty về "kinh tế chia sẻ", nhưng thực chất chẳng có gì gọi là chia sẻ ở Uber cả. "Họ muốn kiếm tiền ở Ba Lan mà không phải tuân thủ theo các quy định giống như các công ty taxi khác. Những tài xế tham gia vào mạng lưới Uber để chở khách nên biết rằng họ đang hoạt động trái phép và có thể bị phạt" - lãnh đạo Cục Giao thông vận tải của Ba Lan Steve Novick cho biết. Cũng theo vị lãnh đạo này, chính quyền ở Ba Lan đã có thiện ý mời Uber và cả Lyft (đối thủ của Uber) đưa ra các ý kiến để thay đổi các quy định theo hướng hợp lý nhất. Nhưng Uber đã phớt lờ và lựa chọn phương án là hoạt động bất hợp pháp ở nước này. 

 Theo trang The Oregonian của Ba Lan, mức phạt có thể lên tới 2250 USD cho lần vi phạm đầu tiên. Ngoài ra, chủ xe còn có thể bị bắt giam, phạt tù. 

Trong một bài đăng trên blog hôm 5/12/2014 vừa qua, người đại diện của Uber là Eva Behrend cho biết công ty sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ ở nhiều nơi, ngay cả ở các thành phố mà Uber biết họ sẽ phải đối mặt với những "thách thức nặng nề". Hãng cũng nói rằng sẽ đứng về phía các tài xế đối tác và đấu tranh để chống lại các "cáo buộc phi lý". 

Kể từ khi xuất hiện, Uber đã không ít lần tỏ ý thách thức khi phớt lờ các quy định của chính quyền các quốc gia mà nó có mặt. Tại Mỹ, Uber từng bị yêu cầu ngừng và chấm dứt hoạt động ở Boston, LA (Los Angeles) và Pittsburgh. Tuy nhiên, Uber vẫn nhận được sự quan tâm mạnh của các nhà đầu tư. Mới đây, dịch vụ này vừa nhận được tới 1,2 tỷ USDtừ các nhà đầu tư giấu mặt, giúp Uber được định giá tới 40 tỷ USD. Công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) này cho biết sẽ dùng khoản tiền mới nhận để phát triển dịch vụ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.