Nhịp sống của người dân Mỹ đã trở lại bình thường sau ngày bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ với kết quả đảng Cộng hòa dễ dàng bảo toàn thế đa số tại Thượng viện, còn phe Dân chủ lấy lại quyền kiểm soát Hạ viện.

Biểu tình khắp nước Mỹ phản đối ông Trump

Tòa án Mỹ ra phán quyết chống lại ông Trump

Tuy nhiên, thời gian sắp tới được dự báo sẽ không yên ả, và câu hỏi đặt ra lúc này là Tổng thống Donald Trump sẽ triển khai thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên" như thế nào trong bối cảnh tiếng nói của đảng Dân chủ có sức nặng hơn sau khi cân bằng được quyền lực tại quốc hội khóa 116, dự kiến khai mạc ngày 20/1/2019.

Cho dù không bảo toàn được 49 ghế tại Thượng viện, song cuộc bầu cử được nhìn nhận là thắng lợi của đảng Dân chủ khi họ hoàn thành mục tiêu giành lại quyền kiểm soát ít nhất 1 trong 2 viện lập pháp. Đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong 8 năm qua. 

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Kết quả này báo hiệu những thách thức đối với Tổng thống Trump khi triển khai các chính sách, sáng kiến về đối nội, đối ngoại in đậm dấu ấn cá nhân ông chủ Nhà Trắng trong 2 năm cuối nhiệm kỳ do vấp phải sự cản phá của "những chú lừa" (biệt danh của đảng Dân chủ).

Về đối nội, công việc trước mắt mà Tổng thống Trump cho rằng phải tập trung là kiện toàn đội ngũ lãnh đạo trong chính quyền. Trước bầu cử, hãng tin Bloomberg nhận định Tổng thống Trump có thể thay thế 6 vị trí nhân sự cấp cao và quyết định đầu tiên là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã phải từ chức.

Động thái này được coi là mở đầu cho việc tái định hình đội ngũ của ông Trump để chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, song ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Dân chủ. Điều đó cũng báo hiệu Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có thể cản trở việc phê chuẩn các vị trí nhân sự cấp cao mà Tổng thống Trump đề cử.

Chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump và "những chú voi" (biệt danh của đảng Cộng hòa), đặc biệt là việc thúc đẩy dự luật y tế thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare), chính sách nhập cư cứng rắn và nhiều vấn đề khác vốn đã khó khăn, nay có thể rơi vào bế tắc hoàn toàn. Mâu thuẫn hai đảng sẽ tăng lên khi phe Dân chủ đóng vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách chi tiêu và soạn thảo luật.

Chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng có thể mở đường cho loạt cuộc điều tra do các nghị sĩ đảng này dẫn đầu nhằm vào Tổng thống Trump, từ các hoạt động kinh doanh của ông Trump và gia đình tới những cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Với việc kiểm soát Hạ viện, phe Dân chủ có thể vừa giám sát vừa bảo vệ cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cùng với đó là việc tổ chức các cuộc điều tra khác nhắm vào ông Trump và các phụ tá.

Chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào chính sách đối ngoại trong giai đoạn từ bầu cử giữa kỳ đến lúc khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống vào giữa năm 2019. Theo giới quan sát, định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump trong thời gian tới về cơ bản sẽ không thay đổi, nhưng sẽ có những điều chỉnh nhất định theo hướng giảm bớt mức độ cứng rắn hơn, đặc biệt khi có sự thay đổi các vị trí lãnh đạo phụ trách chính sách đối ngoại tại Quốc hội.

Áp lực của Mỹ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia trong các vấn đề như san sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng, giảm thâm hụt thương mại… nhiều khả năng sẽ dịu bớt. Quan hệ đồng minh giữa 2 bờ Đại Tây Dương có hy vọng được cải thiện.

Ngoài ra, việc thông qua các biện pháp cứng rắn nhằm siết chặt chính sách nhập cư của chính quyền Trump tại Quốc hội, như xây bức tường biên giới với Mexico... sẽ gặp khó khăn hơn. Đối với Nga, phe Dân chủ sẽ thúc đẩy việc tăng cường trừng phạt chống Moscow. Hạ viện cũng sẽ gây sức ép, buộc Tổng thống Trump thực thi toàn bộ lệnh trừng phạt nêu trong một đạo luật mà ông Trump miễn cưỡng ký ban hành tháng 8/2017.

Riêng với châu Á, Quốc hội sẽ yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump làm rõ nội hàm chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" sẽ được thực hiện chính xác như thế nào và mục tiêu cuối cùng là gì, cũng như việc dành các nguồn lực cho việc triển khai thực hiện chiến lược này. 

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ với Trung Quốc sẽ không có điều chỉnh lớn vì đang có một sự đồng thuận ngày càng tăng giữa 2 đảng, rằng nên cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Có chăng là Quốc hội do phe Dân chủ kiểm soát sẽ tăng cường chất vấn Nhà Trắng về mặt lợi và hại của các chính sách kinh tế với Trung Quốc. Mặt khác, trong bất luận trường hợp nào, Mỹ vẫn muốn tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Trong khi đó, chính sách của Washington với Bình Nhưỡng được dự báo cũng không có nhiều thay đổi vì nhiều đảng viên Dân chủ cấp tiến muốn duy trì bầu không khí hòa dịu hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, ủng hộ thảo luận với Bình Nhưỡng và không muốn chặn một giải pháp ngoại giao với quốc gia Đông Bắc Á này.

Tuy nhiên, phe Dân chủ sẽ yêu cầu chính quyền cung cấp thêm thông tin về nội dung các cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, do lo ngại ông Trump quá hào hứng đạt được “một thỏa thuận vĩ đại” đến mức nhượng bộ Bình Nhưỡng quá nhiều.

Chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông sẽ có thay đổi hoặc gián đoạn trong thời gian tới. Hạ viện có thể sẽ thúc đẩy cắt giảm ngân sách quốc phòng, nên việc tài trợ cho cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Syria có thể sẽ giảm đáng kể trong năm 2019, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ bị giới hạn trong khả năng ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.

Nhìn chung, Quốc hội Mỹ khóa mới sẽ tập trung hơn vào các vấn đề an ninh phi truyền thống ở châu Á, vốn phần lớn bị lưỡng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ qua, như tái khẳng định cam kết của Mỹ với các cấu trúc khu vực ở châu Á như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), cũng như cam kết với các đồng minh truyền thống như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc; quan tâm hơn đến vấn đề chống biến đổi khí hậu, chống cướp biển, khủng bố ở Đông Nam Á...

Về cơ bản, các biện pháp trừng phạt, gây sức ép toàn diện về kinh tế, ngoại giao sẽ tiếp tục được Washington áp dụng, nhưng mức độ cứng rắn và quy mô có thể giảm bớt. Điều này chủ yếu tác động đến chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Cuba và Venezuela.

Đối với các hiệp định thương mại mới, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong đàm phán khi phải chứng minh các hiệp định mới thực sự hiệu quả hơn hiệp định cũ, không phải là “bình cũ, rượu mới”.

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có thể "gây khó dễ" cho việc phê chuẩn Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Đa số tương đối trong Thượng viện không đảm bảo việc chắc chắn thông qua USMCA khi ngay trong chính nội bộ Cộng hòa cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn về chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump.

Sau cuộc bầu cử, ông Trump đã nhắc đến khái niệm "đồng thuận lưỡng đảng". Nếu chính quyền Tổng thống Trump không có những điều chỉnh hoặc 2 đảng không đạt được thỏa hiệp trong các vấn đề chính sách thì không chỉ chính trường Mỹ bước vào một thời kỳ bế tắc mới, với nhiều mâu thuẫn và chia rẽ hơn, mà mục tiêu biến giấc mơ "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ trở nên xa vời.

Theo TTXVN/ Baotintuc

Những kỷ lục chưa từng có trong bầu cử giữa kỳ Mỹ 2018

Những kỷ lục chưa từng có trong bầu cử giữa kỳ Mỹ 2018

Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ năm 2018 đã ghi dấu những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử nước này, trên nhiều phương diện.

Ông Trump mới là người chiến thắng bầu cử giữa kỳ?

Ông Trump mới là người chiến thắng bầu cử giữa kỳ?

Dù kết quả bầu cử ngày 6/11 không mang lại chiến thắng hoàn hảo cho đảng Cộng hòa vì họ để mất Hạ viện về tay phe Dân chủ, nhưng rốt cuộc Tổng thống Donald Trump chính là người giành chiến thắng.

Ông Trump làm gì trong lúc diễn ra bầu cử giữa kỳ?

Ông Trump làm gì trong lúc diễn ra bầu cử giữa kỳ?

Vào đêm bầu cử giữa kỳ Mỹ, Tổng thống Donald Trump mời gia đình và bạn bè tới Nhà Trắng.