Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc khu vực phía Nam đồng bằng sông Hông, nằm trong vùng tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Thái Bình có vị thế ảnh hưởng tới vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ - vùng trọng điểm của Chiến lược biển Việt Nam. 

Thái Bình có 54km bờ biển nhưng sở hữu nguồn tài nguyên và khoáng sản dồi dào. Bờ biển dài có nhiều cửa sông nên lượng phù sa bồi đắp hằng năm đã tạo nên hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn đa dạng. 

Hiện toàn tỉnh Thái Bình có 4.248ha rừng ven biển phân bố tại các xã ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải.  

bien vo cuc.png
Hoạt động du lịch biển vô cực tại Thái Thụy, Thái Bình

Rừng ven biển đã có vai trò quan trọng trong phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học biển, hướng tới hình thành Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp để trồng và bảo vệ rừng.

Nhiều năm nay, Thái Bình ưu tiên phát triển rừng ven biển. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2015 đến năm 2022, tổng diện tích rừng trồng mới hơn 500ha. Từ nay tới năm 2030, Thái Bình chủ trương trồng mới 1000ha rừng ven biển và trồng bổ sung 500ha.

Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486 về quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế ven biển đảm bảo đa ngành, đa lĩnh vực. 

Thái Bình luôn chủ trương thực hiện quy hoạch các dự án phát triển kinh tế phải đảm bảo môi trường bền vững. Các dự án ven biển đều được thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đánh giá kỹ tác động môi trường, giảm thiểu tối đa tác hại của phát triển kinh tế ven biển lên hệ sinh thái biển.

Hiện nay, Khu kinh tế Thái Bình đang dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng và từng bước thu hút các dự án đầu tư. Người dân tại các xã ven biển các huyện Tiền Hải và Thái Thụy ủng hộ. Khu kinh tế Thái Bình lấy trọng tâm là phát triển kinh tế biển. 

Ngoài ra, tiềm năng phát triển kinh tế biển còn dư địa rất nhiều. Để biển trở thành thế mạnh của tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế hướng ra biển. Trong đó, nuôi trồng thủy sản vẫn là mũi nhọn. 

Tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh nuôi thủy sản theo hướng hiện đại, nuôi lồng trên biển kết hợp với du lịch. Riêng huyện Thái Thụy hiện nay có 2.700 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. 1.570 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, 465 phương tiện khai thác thủy sản. Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản cả năm đạt từ 95.000 - 100.000 tấn. Từ đó, người dân mạnh dạn phát triển ngành nghề chế biến thủy hải sản.

Theo dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Thái Thụy đã hoàn thành các bước đầu tư xây dựng cảng cá Thụy Tân tại xã Thụy Trường và xã An Tân, hoàn thiện các bước dự án đầu tư nâng cấp cảng cá Tân Sơn và các bến cá theo quy hoạch.

Các địa phương ven biển đã tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng các mặt hàng, phát triển thị trường tiêu thụ. Sản xuất chế biến thủy hải sản gắn với bảo vệ môi trường ven biển, thu gom, xử lý chất thải, nước thải.

Ngoài ra, các ngành thương mại du lịch biển cũng đang có xu hướng phát triển. Các địa phương tạo điều kiện mặt bằng thu hút các nhà đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hướng biển. 

Sở Thể thao Văn hóa và Du lịch tỉnh Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hệ thống giao thông kết nối điểm du lịch của tỉnh như Cồn Đen, Cồn Vành với các điểm du lịch văn hóa Chùa Keo, Đền Trần…Thái Bình từng bước phấn đấu phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững trở thành vùng kinh tế biển trong khu vực, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
 
 
 
 
 
 
 

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV