Tỉnh Thái Bình hiện có 4.283ha rừng ven biển trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với các loài cây ngập mặn chiếm đa số (95% diện tích).

anh bai 4.jpg
Những cánh rừng ngập mặn góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. 

Diện tích rừng ở tỉnh Thái Bình được phân chia thành 2 vùng chính là rừng trồng ven biển tại huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy. Theo đó, hệ thống rừng ven biển của tỉnh có vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nhân dân. 

Được biết, từ năm 2002 trở về trước, việc phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thuỷ sản ở Thái Bình đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng, gây nhiều khó khăn trong việc phục hồi và phát triển diện tích rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, xác định vai trò quan trọng và lợi ích to lớn của rừng ngập mặn, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều dự án trồng rừng, trong đó có Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Theo đó, từ năm 2016, tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn tại 4 xã ven biển gồm: xã Thụy Xuân, Thụy Hải (huyện Thái Thụy) và xã Đông Long, Đông Hoàng (huyện Tiền Hải). Đến nay đã trồng được 160 ha rừng ngập mặn (80 ha trồng mới, 80 ha trồng bổ sung), bảo vệ 800 ha rừng hàng năm, góp phần gia tăng diện tích và chất lượng rừng, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu,...

Tại huyện Thái Thuỵ, mỗi năm huyện đã triển trồng thêm hàng trăm héc ta rừng ngập mặn, nhờ đó, diện tích rừng ven biển của huyện không ngừng gia tăng. Năm 2015, toàn huyện có khoảng 2.000ha rừng ngập mặn, đến năm 2022 đã tăng lên 2.600ha, độ che phủ rừng cũng tăng lên đáng kể. 

Hiện nay, dọc tuyến đê biển qua địa bàn các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường, đã phủ một màu xanh mướt của rừng ngập mặn, trở thành tấm khiên chắn sóng, chắn bão cho người dân các xã ven biển, vừa phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và các xã ven biển nói riêng.

Hiện nay, tổng diện tích rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy đạt 2.600ha, tập trung tại các xã ven biển: Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân, Thái Đô, Thái Thượng. 

Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học, đặc biệt là vai trò chắn sóng phòng hộ ven biển, bảo vệ các công trình đê điều, cơ sở hạ tầng ven biển, nhà cửa, đầm nuôi trồng thủy sản, cuộc sống của cư dân ven biển..., góp phần quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Với trên 52km bờ biển, Thái Bình chịu tác động trực tiếp của thiên tai, biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng luôn được tỉnh đặc biệt coi trọng. 

Để phát triển rừng, những năm qua tỉnh đã có chủ trương và nhiều cơ chế, chính sách phát triển rừng, trong đó huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài, các nguồn vốn khác và huy động sự vào cuộc của người dân. 

Đến nay, tỉnh Thái Bình có gần 4.248ha rừng ở ven biển, tăng trên 539ha so với năm 2015. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trồng mới thêm 1.000ha và trồng bổ sung thêm 500ha.

Để bảo vệ rừng ngập mặn trên địa bàn, tỉnh Thái Bình phối hợp với các địa phương xây dựng các tổ quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn với sự tham gia của lực lượng công an và người dân thường xuyên đi rừng để nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý tình trạng xâm hại rừng ngập mặn. 

Tại xã Đông Long (huyện Tiền Hải) có trên 300ha rừng trồng ngập mặn, trải dài trên 4 km bờ biển. Thời gian qua, để bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, xã đã thành lập tổ bảo vệ rừng nhằm bảo vệ môi trường ven biển, bảo vệ hệ sinh thái rừng, giảm thiểu tác hại của sóng, bão và nước biển dâng cùng với hiện tượng xâm nhập mặn vào đất liền. 

Với việc phục hổi, phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn đã góp phần quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thời gian qua của Thái Bình.

Bình Minh và nhóm PV, BTV