Mũi nhọn để phát triển kinh tế biển bền vững
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 15.600ha, trong đó diện tích nuôi nước mặn đạt 3.169ha, nước ngọt đạt 8.939ha, nước lợ đạt 3.556ha với các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ, ngao, cá các loại. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 ước đạt 181.879 tấn; giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt 4.161,1 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2023, diễn biến thời tiết khá thuận lợi đã giúp cho hoạt động nuôi trồng và sản xuất thủy sản của Thái Bình tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Theo đó, tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2023 ước đạt 187,8 nghìn tấn, tăng 3,3% so với năm 2022.
Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản lồng, bè đã và đang phát triển ổn định tại các địa phương, sản lượng nuôi lồng bè năm 2023 ước đạt 2,7 nghìn tấn, tăng 2,4% so với năm 2022. Phương thức nuôi thủy sản lồng, bè được duy trì phát triển khá tại một số địa phương, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như trắm, chép, cá diêu hồng, cá lăng, cá rô phi đơn tính...
Tại huyện Tiền Hải, với chiều dài bờ biển 23km, những năm gần đây, bên cạnh việc chú trọng đánh bắt hải sản thì huyện cũng tập trung phát triển mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 5.142ha, tăng 48ha. Giá trị sản xuất 1ha nuôi trồng thủy sản đạt 456,4 triệu đồng, sản lượng thủy hải sản năm 2023 ước đạt gần 100.000 tấn, tăng trên 3,2% so với năm 2022; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt gần 70.000 tấn, tăng 3,5% so với năm 2022; giá trị sản xuất ngành thủy sản của huyện ước đạt trên 2.700 tỷ đồng.
Còn ở huyện Thái Thuỵ, xác định nghề nuôi trồng thủy sản có vai trò quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển bền vững, huyện đã hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Thái Thụy đạt 4.225 ha. Trong đó, 1.700 ha vùng chuyển đổi. Dự kiến sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2023 ước đạt gần 62.000 tấn; giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 5,6 % so với năm trước.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, đồng thời xác định, phát triển kinh tế biển là mũi nhọn, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của địa phương nên nhiều xã ở Thái Thụy đã chủ động chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, như xã Thụy Xuân có gần 50 ha chuyển đổi, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã lên gần 100 ha; xã Thái Thượng hiện diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 196ha…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản ven bờ
Tận dụng những thế mạnh, tiềm năng của tỉnh về phát triển kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo tập trung phát triển và mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng thuỷ sản; xác định đối tượng nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả, để vừa tạo ra các sản phẩm thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa đảm bảo môi trường bền vững. Đến nay đã có nhiều mô hình nuôi thuỷ sản công nghệ cao tập trung ở huyện Tiền Hải, Thái Thuỵ, Kiến Xương… đã mạng lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường bền vững.
Hiện nay, việc nuôi trồng thuỷ sản của huyện Tiền Hải phát triển khá toàn diện trên cả 3 loại hình mặt nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Ngoài nuôi 2 vụ nuôi chính trong năm thì nhiều xã ven biển trong huyện như: Nam Thịnh, Đông Minh, Nam Cường, Nam Phú... còn đẩy mạnh việc nuôi trồng thuỷ sản cả vụ đông nhằm tăng vòng quay số vụ và giá trị kinh tế trên cùng một diện tích nuôi.
Bên cạnh việc tập trung mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản, huyện Tiền Hải cũng hướng người dân nuôi trồng theo hướng bền vững, trong đó có nhiều mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao vừa mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, như khu nuôi trồng tôm giống, ngao giống công nghệ cao với diện tích hơn 300ha tại các xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú; mô hình nuôi tôm thâm canh, nuôi ốc hương, hàu sữa…
Song song với việc ứng dụng công nghệ cao, huyện cũng khuyến khích phương thức nuôi thâm canh, nuôi tôm gắn với tăng vụ và đa dạng đối tượng nuôi phù hợp. Nhờ đó, năng suất thu được cao gấp 3-5 lần so với hình thức nuôi truyền thống. Đơn cử như mô hình nuôi tôm công nghệ cao, toàn huyện có 93ha, năng suất đạt trên 40 tấn/ha.
Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, đầu tư xây dựng hệ thống, kết cấu hạ tầng khu vực ven biển đồng bộ, hiệu quả là khâu đột phá chiến lược và xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển.
Đồng thời, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng một số cơ sở giống thủy sản chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đối với huyện Thái Thuỵ, bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi trồng, thời gian qua, huyện Thái Thuỵ cũng khuyến khích người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển và nuôi trồng các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Nhiều địa phương trong huyện đã áp dụng công nghệ cao vào mô hình nuôi trồng và cho hiệu quả rõ rệt, như mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt của ông Đỗ Quang Bốn, thôn Bắc Cường, xã Thái Thượng. Với diện tích nuôi tôm trên 5ha, năng suất đạt 20 - 30 tấn/năm, nếu thời tiết thuận lợi có thời điểm đạt hơn 40 tấn/năm; trung bình 1ha nuôi tôm công nghệ cao doanh thu đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/năm. Được biết, hiện nay ở xã Thái Thượng có khoảng 40ha nuôi tôm công nghệ cao.
Lãnh đạo huyện Thái Thuỵ cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển mạnh nuôi trồng thủy sản từ phương thức quảng canh sang phương thức bán thâm canh và thâm canh ứng dụng công nghệ cao; đồng thời sẽ nghiên cứu thay thế các đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng, từng khu vực, phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.