Xử lý chất thải trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò luôn là bài toán khó với ngành chăn nuôi các tỉnh, thành. Nhiều đề án, dự án đã được triển khai nhằm nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải an toàn, giữ vệ sinh môi trường và sức khỏe của người dân.

Năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu xây dựng mô hình và quy trình ứng dụng chế phẩm sinh học phù hợp để xử lý môi trường trong chăn nuôi trâu, bò thương phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Bình".

{keywords}
Công nghệ chế phẩm vi sinh giúp ngăn chặn được nguy cơ dịch bệnh ở gia súc. 

Đề tài nghiên cứu, xây dựng 3 quy trình sử dụng chế phẩm sinh học EMINA theo 3 phương thức sử dụng là phun, phun kết hợp cho ăn và làm đệm lót. Từ tháng 1/2021, tiến hành thử nghiệm trên 9 hộ chăn nuôi của 4 huyện, với 3 loại hình chăn nuôi: chăn thả, bán chăn thả, nuôi nhốt.

Sau 10 tháng triển khai thực tế cho thấy, quy trình này dễ áp dụng, dễ kiếm giá thể, giá thành rẻ, phù hợp với nhiều loại hình chăn nuôi, quy mô, điều kiện chuồng trại khác nhau. Hiệu quả từ việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi rất rõ ràng.

Các chỉ tiêu về nồng độ khí độc, độ ẩm, nhiệt độ chuồng trại cho kết quả tích cực; cảm quan cho thấy hiệu quả giảm mùi rõ rệt, môi trường chăn nuôi được bảo đảm hơn. Những kết quả đạt được của dự án làm cơ sở để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền nhân rộng.

Sáng 5/11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến tham gia về quy trình công nghệ chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi trâu, bò năm 2021.

Tại Hội thảo, đại diện các sở, ngành và địa phương đã trao đổi một số vấn đề trong kết quả thực hiện đề tài; thống nhất đánh giá việc sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải sinh hoạt và chăn nuôi là giải pháp đơn giản, dễ làm. Hội thảo là dịp để Chi cục Chăn nuôi và Thú y sớm bổ sung, hoàn thiện công bố quy trình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi trâu, bò. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thời gian tới, khi dự án có kết luận đánh giá chính thức, tỉnh Thái Bình sẽ triển khai rộng rãi công nghệ này vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Phúc