Mở cửa tuyển lao động ngoài tỉnh để phục hồi kinh tế
Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên, những tháng cuối năm, gần 60% doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh có nhu cẩu tuyển dụng nhân lực, với hơn 16.000 chỉ tiêu, tại hơn 25 vị trí việc làm. So với cùng kỳ năm 2020, tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng 6,2%.
Cũng thời điểm này, tại các địa phương trong tỉnh có hơn 1.200 lao động có nhu cầu tìm việc làm. Thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi tích cực…
Trong điều kiện thiếu nguồn nhân lực, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện giải pháp giảm các tiêu chí tuyển dụng, tăng mức lương cơ bản cho người lao động (NLĐ), hỗ trợ ăn ca, tăng các khoản phụ cấp, cải thiện chế độ khen thưởng, nghỉ dưỡng, bổ sung các chế độ nhà trẻ, ký túc xá, xe đưa đón công nhân, đồng thời mở rộng địa bàn tuyển dụng nhằm thu hút lao động.
Ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) cho biết: Thị trường cũng cần 18,12% lao động trong nhóm nghề có chuyên môn cao đẳng, đại học. Ngoài yêu cầu về kiến thức chuyên môn, vị trí việc làm trong nhóm nghề này còn đòi hỏi những kỹ năng, sự nhanh nhạy và giao tiếp cá nhân tốt. Chính vì vậy, công việc kế toán hay nhân viên văn phòng sẽ cần trình độ tối thiểu là cao đẳng, doanh nghiệp vẫn ưu tiên cho những trình độ cao hơn và nhất là có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó vẫn có một số việc làm trong nhóm nghề này chỉ cần tốt nghiệp các trường trung cấp trở lên, song phải biết sử dụng máy vi tính.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu ở các khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Còn với các doanh nghiệp ở khu vực T.P Thái Nguyên, nhu cầu tuyển dụng lao động đa dạng, nhiều các vị trí việc làm như nhân viên văn phòng, dịch vụ - phục vụ; bán hàng, thu ngân, bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, lao động phổ thông.
Các nhóm ngành nghề theo vị trí công việc, việc làm được các doanh nghiệp thường xuyên tuyển dụng là: Công nhân sản xuất linh kiện điện tử; điện lạnh; dệt may; giày da…
Hoàn thành tiêm cho toàn bộ người lao động trong tất cả các KCN
Chia sẻ với báo chí, Bí thư tỉnh ủy, Nguyễn Thị Thanh Hải cho hay, “chúng tôi đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch trong các KCN bao giờ cũng cao hơn. Vì vậy ngay từ đầu có vắc xin về tỉnh đã tạo điều kiện ưu tiên đầu tiên phủ xanh vắc xin tại các KCN”.
Hiện nay, Thái Nguyên đã hoàn thành tiêm cho toàn bộ người lao động trong tất cả các KCN cách đây cả tháng. Kế đến, tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho những người tham gia vào dịch vụ vận tải để tránh việc di chuyển dễ làm lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Còn khu vực dân cư của tỉnh tiêm sau vì nếu có ca mắc thì việc bóc tách các ca F0 dễ hơn.
Nhờ giữ được vùng xanh an toàn như vậy cho nên thời gian qua, Thái Nguyên thuộc nhóm các tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế GRDP cao so với cả nước.
Nói về các chính sách thích ứng an toàn, hiệu quả với đại dịch để phục hồi kinh tế, bà Hải cho rằng, mỗi một địa phương, một đơn vị cần xây dựng cho mình một kế hoạch riêng phù hợp với tình hình thực tiễn.
"Như Thái Nguyên hiện nay đang rất xanh. Cho nên vấn đề đầu tiên để cùng cả nước phục hồi kinh tế là Thái Nguyên tăng cường kết nối với các tỉnh bạn để khắc phục kịp thời các chuỗi liên kết. Hiện nay tỉnh đã mở hơn 60% hoạt động vận tải liên tỉnh ", Bí thư Thái Nguyên nhấn mạnh.
Vấn đề nữa theo bà Hải là câu chuyện nguồn nhân lực. Hiện tỉnh Thái Nguyên đang rất thiếu lao động. Vì vậy tỉnh đưa ra chính sách rất mở cho DN tuyển dụng lao động từ các tỉnh ngoài vào làm việc để đẩy mạnh sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế. Đi kèm với đó là phương án dự phòng các khu cách ly để trong trường hợp nhà máy nào xảy ra ca lây nhiễm có thể đưa đi cách ly, đảm bảo an toàn, giúp cho DN vẫn có thể yên tâm sản xuất.
Song song với đó, tỉnh cũng triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đến tay người dân và doanh nghiệp…