Gặp lại Thái Thùy Linh trong một ngày gần đây, cô ca sỹ được ví như “Chiến binh” giờ đã đằm thắm xinh đẹp hơn xưa, trải qua những thăng trầm của cuộc đời.
 
TIN BÀI KHÁC

Xấu hổ vì chót mắng con


 - Được biết, công việc của chị khá bận rộn, thời gian chăm sóc bé Vũ Thái An chắc sẽ có hạn hẹp? Và chị làm thế nào để hợp lý thời gian chăm sóc con mình và công việc?

Tôi không có nhiều thời gian ở bên con như đại đa số các bà mẹ khác nhưng An luôn có sự quan tâm chăm sóc từ xa của mẹ, đảm bảo để bé có thể phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Thời gian này tôi đi nhiều, phân thân làm nhiều phần để có thể đảm nhiệm nhiều việc cùng lúc nhưng tôi luôn biết con gái tôi đang được chăm sóc ra sao, hôm nay có “tội” hay có “công” gì, ăn uống được hay không.v.v…
 

Một tuần hai mẹ con được ngủ với nhau 2 – 3 đêm, đi chơi, đi học hay mua sắm… đủ để An vẫn yêu và quấn riết lấy mẹ mỗi khi mẹ về nhưng lại rất tự lập và không khóc lóc nhớ nhung khi mẹ vắng nhà.

An đã đi học từ một năm nay nên cũng đã quen nếp, không còn quá phụ thuộc vào mẹ như trước nữa. Tất nhiên, được như thế này cũng vì gia đình tôi đang trong thời gian sống chung tam đại đồng đường, có ông bà, các bác, anh chị của An yêu quý chăm sóc chu đáo nên tôi hoàn toàn có thể yên tâm vắng mặt. Chỉ có điều phải thường xuyên nhăc nhở cả nhà không được chiều An quá thôi.

- Chị có thể kể đôi chút về bé được không?

Thái An không to mập, không xinh nhưng là một em bé rất thú vị và sinh động. Bé rất có năng khiếu về âm nhạc, hay hát, thích trêu trọc mọi người và thường có những “phát ngôn” làm người lớn phải giật mình.

Khi được bà ngoại tắm cho thì An bảo “Bà tắm cho An ít thôi, tiết kiệm nước để ông còn tắm với”. Còn khi trên ô tô, bác tài xế mở kính xe vứt rác ra đường thì An ngồi cạnh bảo “Người thông minh không vứt rác ra đường” làm bác tài chỉ biết cười trừ (bé nhầm giữa “văn minh” và “thông minh”).

Ở lớp thì An hay làm các cô giáo ngạc nhiên vì những bài hát bé…tự sáng tác ngẫu hứng, kiểu như bài “Cái dây chun” hay bài “Ăn bánh mỳ thôi”… Với riêng tôi thì An thật sự là một người bạn đầy đồng cảm. Cảm giác như thể bé hiểu chuyện và thông cảm với mẹ lắm ý.

- Đối với mỗi gia đình luôn cần cả 2 vợ chồng cùng nuôi dạy con cái, là một người mẹ đơn thân, 1 tay chị chăm lo gia đình và nuôi nấng con cái, chị có điều gì phiền muộn? và điều gì làm chị có động lực để vượt qua để một mình nuôi con như vậy?

Tôi chỉ phiền muộn những lúc bố của bé vô tình hay vô tâm thiếu hỏi han đến bé trong một khoảng thời gian dài. Tôi rất thông cảm vì anh ấy còn có cuộc sống riêng với nhiều lo toan bận rộn, nhưng tôi vẫn phải nhắc anh ấy để giữ sợi dây máu mủ cha con.
Bây giờ bé còn quá nhỏ, chưa thấy nhớ bố, nhưng nếu cứ xao nhãng thì chính anh ấy sẽ là người mất con đầu tiên. Và tất cả những gì tôi đòi hỏi hay mong chờ ở anh ấy chỉ là tình cảm với con, để bố vẫn là bố của An.


Riêng với tự bản thân tôi thì có lẽ, vì mình đã luôn xác định cuộc sống của mình là do mình, tự làm tự chịu, lại luôn đề phòng tình huống xấu nhất, nên khó gục ngã hay bi lụy. Tôi không phải là con nhà lá ngọc cành vàng, thậm chí gia đình đã từng phá sản, từng trải qua nhiều hoạn nạn tai ương nên những khó khăn về vật chất lại càng không thấm tháp gì. Có người ví tôi như chiến binh là vì thế. Tôi là người bướng bỉnh. Hoàn cảnh càng thách thức mình thì mình lại càng có động lực để cưỡng lại, thế thôi.

- Trẻ con thường tiếp thu rất nhanh, chẳng hạn như bé có thể học theo người lớn từ môi trường xung quanh ví dụ như nói bậy mà bé thì còn nhỏ chưa ý thức được những gì bé nói, thì chị sẽ làm thế nào?


"Lêu lêu"! Tất cả những ai nói điều không hay trước mặt bé thì sẽ đều bị lêu lêu, thậm chí kể cả ông bà ngoại. Sau đó mẹ sẽ giải thích cho bé như thế là không tốt. Chưa hết, mẹ sẽ cho bé hỏi những người xung quanh như thế là đúng hay sai, để bé ghi nhớ sâu hơn trong đầu. Tôi không chủ trương dạy con theo kiểu bịt tai bịt mắt, vì có làm thế cũng không xuể. Tôi dạy con đánh giá sự việc.

Nuôi con thành nhân trước khi thành tên

-  Những lúc con chị quấy, hay không nghe lời, chị sẽ dạy dỗ con theo cách nào? Quát mắng hay khuyên bảo theo cách riêng của chị, chị có thể chia sẻ không?

Đầu tiên, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao bé quấy. Vì các em bé thì có vô số lý do để trở nên cáu kỉnh, đói này, buồn ngủ này, mẩn ngứa, đau bụng, hay đôi khi chỉ là quấy vì muốn được quan tâm hơn…

Nếu lý do không chính đáng, chẳng hạn như lười ăn, lười đánh răng..v.v..thì tôi sẽ nói với bé bắt đầu bằng giọng mềm mỏng để dụ bé hợp tác, mềm mỏng không được thì nghiêm giọng, nhìn thẳng vào mắt bé và nói như nói với em bé lớn.

Không phải lúc nào tất cả những cách đó đều có kết quả. Đôi khi tôi cũng không đủ kiên nhẫn, và giải pháp cuối cùng là dùng quyền trợ giúp…gọi người thân trước khi mình quát tháo hay hét toáng lên với con. Tôi cũng đã bị một vài lần mất bình tĩnh, gào thét lên rất phản giáo dục trước mặt con và đó là những lần tôi rất xấu hổ, ăn năn.

- Có bao giờ con chị hỏi về bố và chị nói với con mình thế nào nhỉ?


Con tôi còn quá nhỏ để có thể biết hỏi về bố. Thỉnh thoảng An nhớ ra, hỏi “Bố đâu rồi?”. Mẹ sẽ vui vẻ và sốt sắng bảo “Ừ, bố đâu rồi ý nhỉ? Chắc là bố đang đi làm, mẹ con mình gọi cho bố nhé!”.

Và điện thoại bình thường thôi. Thường thì tôi còn phải “mớm chuyện” cho bố An bíêt nói những chuyện mà An thích, vì bé rất nhanh chán nghe điện thoại, trong khi bố của bé thì lại không giỏi lắm trong việc buôn điện thoại với một em bé hai tuổi rưỡi. Mọi người trong gia đình thì được đề nghị tránh nhắc đến bố trước mặt An, để bé không bịn rịn nhớ nhung. Chỉ An được nhắc thôi.

- Quan điểm của chị về việc nuôi dạy con?


Tôi nuôi con khỏe chứ không nuôi con béo mập. Phát triển đồng đều cả trí tuệ và vận động chứ không chạy theo thành tích. Cố gắng nuôi dưỡng cho cháu thích học hỏi và yêu lao động một cách tự nhiên chứ không bắt ép. Và quan trọng nhất là tôi phải nuôi dạy cháu thành nhân trước khi thành tên.

(Theo GDVN)