UBND tỉnh Bình Thuận đã cho phép thăm dò lần cuối cùng kho báu "khủng" tại núi Tàu (Phước Thể, Tuy Phong).

TIN BÀI KHÁC


Hàng chục năm qua nhiều người dân đã đổ mồ hôi, tiền của để truy tìm kho báu nổi tiếng tại núi Tàu nhưng vẫn không thấy tăm hơi. Mới đây nhất, theo nguồn tin của báo Pháp luật TP HCM, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ giao cho Sở VH-TT&DL lập phương án thăm dò. Chậm nhất trong vài tháng tới, các mũi khoan thăm dò sẽ bắt đầu. Đây cũng là lần thăm dò cuối cùng để biết thực hư về “kho báu”.

Trước đó, từ năm 1993 đến nay, một số người tại TP.HCM, Bình Thuận luôn quả quyết trong Thế chiến thứ hai, tướng Nhật Tomoyuki Yamashita trước khi tháo chạy khỏi Việt Nam đã chôn giấu khoảng 4.000 tấn vàng cùng nhiều châu báu, quý kim khác trị giá khoảng 100 tỉ USD tại núi Tàu. Theo đó, tướng Nhật Tomoyuki Yamashita trước khi đầu hàng quân đội Đồng minh đã vận chuyển tài sản vơ vét được từ các đền chùa, ngân hàng, viện bảo tàng ở các nước châu Á mà Nhật chiếm đóng đem về núi Tàu ở Việt Nam chôn giấu.

Ông Trần Văn Tiệp (phải) đã nuôi ước mơ đi tìm kho báu gần nửa cuộc đời nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả (Nguồn: Thanh Niên)

Có nhiều lời đồn đoán cho rằng vào thời điểm trên, vị tướng này đã chỉ huy một đoàn tàu với những toa hàng được niêm phong từ Sài Gòn ra ga Suối Kiết (Bình Thuận). Một đại đội lính Nhật súng gươm tua tủa được lệnh bảo vệ cẩn mật cho đoàn tàu. Nửa đêm hôm đó, một số thanh niên mạnh khỏe người dân tộc sống ở Suối Kiết cùng tộc trưởng được lệnh bốc hàng từ đoàn lên xe bò, đưa vào khu rừng già về hướng đông.

Không biết thực hư tin đồn trên thế nào nhưng những người có tham vọng tìm kho báu từng cho biết họ đang giữ trong tay tấm mật đồ “kho báu” với hàng loạt những tình tiết bất thường xung quanh núi Tàu.

Người tâm huyết nhất với việc săn tìm kho báo này là ông Trần Văn Tiệp (ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, TP HCM). Ông Tiệp từng chia sẻ trên báo Thanh niên rằng, trong tay ông có rất nhiều hồ sơ cho biết, kho báu khổng lồ này là có thật. Sau Thế chiến thứ hai, nhiều lần người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại.

Đặc biệt, tại đây, ông Tiệp đã tìm kiếm được một thanh gươm cùng với vỏ bao gươm của Nhật đã cũ; đồng tiền 10.000 yen; một ống điếu bằng kim loại đã vỡ một phần; hai phù hiệu Hắc Long bằng kim loại... Những "báu vật" này, theo ông Tiệp được tìm thấy ở núi Tàu là vật chứng thể hiện kho vàng vẫn quanh quẩn đâu đây.

Ngày 16/10/1993, ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khi đó chính thức cấp giấy phép cho ông Trần Văn Tiệp được “tìm kiếm kim loại” tại núi Tàu. Có công văn này, ông Tiệp đã thuê cả kĩ sư lẫn nhà ngoại cảm “dốc sức” cho chiến dịch tìm kho báu.

Công việc tìm kiếm kho báu bắt đầu được người đàn ông này xúc tiến từ năm 1994. Ròng rã 10 năm liền (từ 1993 đến 2003), đích thân ông Tiệp lên tận núi Tàu chỉ huy đào bới hàng nghìn mét khối đất đá, nhưng kho vàng 4.000 tấn đến nay vẫn còn là một ẩn số...

Lan Châu
(Tổng hợp)