Sáng nay 17/5, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp trong nền kinh tế số và công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ngoài các nội dung quen thuộc, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2017/2018 còn tập trung vào chủ đề doanh nghiệp trong nền kinh tế số đang được nhắc nhiều đến trong thời gian gần đây.

Chia sẻ từ Chủ tịch VCCI, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số nhưng mức độ phát triển hiện nay còn nhiều hạn chế, đồng thời, các doanh nghiệp Việt còn gặp phải nhiều thách thức không nhỏ như khó khăn trong chiếm lĩnh thị trường; vấn đề an ninh bảo mật; các thách thức trong triển khai thương mại điện tử (TMĐT) hay khả năng thích ứng với nền kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất tại thị trường chính là chưa có môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế mới. "Đây là một thành tố quan trọng", báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam khẳng định.

Nếu có một khung pháp lý phù hợp sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi giữa nền kinh tế và nền kinh tế số diễn ra một cách mau chóng và mạnh mẽ hơn ở Việt Nam; trong đó có Luật văn bản điện tử, Luật giao dịch điện tử và Luật chữ ký số để hỗ trợ giao dịch điện tử. Cần tiến tới việc thay đổi nhận thức để công nhận văn bản điện tử cũng có giá như trên giấy tờ. Các thủ tục nộp đơn, cấp giấy phép, phê duyệt, đăng ký… cần hiệu quả và minh bạch hơn nữa.

“Chính phủ có thể thúc đẩy quá trình này bằng cách cải thiện quy định để nới lỏng hạn chế đối với doanh nghiệp muốn khai thác Internet trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như loại bỏ yếu tố bất trắc và khuyến khích sử dụng Internet cho tất cả các doanh nghiệp. Các cơ quan thẩm quyền cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo tính minh bạch và tránh rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư”, Báo cáo khuyến nghị.

Ngoài ra, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin đang là một trong những thách thức lớn đối với lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn doanh nghiệp trong nền kinh tế số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Diễn đàn doanh nghiệp trong nền kinh tế số này là cơ hội tốt để bàn bạc xem làm thế nào để các doanh nghiệp Việt có thể phát triển và thích ứng được với nền kinh tế số.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, điều kiện cần để các doanh nghiệp hướng tới nên kinh tế số đó là hạ tầng, nền tảng cho kinh tế số. "Chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng hạ tầng cho nền kinh tế số như hạ tầng viễn thông băng rộng; xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng; dịch vụ kết nối nền tảng liên thông; các nền tảng thanh toán điện tử hay xác thực,…Tuy nhiên, hai điều kiện cần và đủ nữa cần đề cập đến. Thứ nhất là vai trò của Nhà nước phải làm gì để xây dựng bệ đỡ, xây dựng thể chế chắc chắn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể thích ứng và phát triển. "Hiện tại chúng ta đang đề cập đến các vấn đề lớn mà chưa sửa được các vấn đề nhỏ, chẳng hạn như môi trường pháp lý. Điều các doanh nghiệp cần hiện nay đó là một môi trường để kinh doanh thuận lợi".

Điều thứ hai là nhận thức và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp như thế nào trong nền kinh tế số. Ngay bản thân trong khối các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, CNTT nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn những tư duy thụ động trong góc độ chuyển đổi số. Chuyển đổi số không có nghĩa là mua sắm phần mềm trang thiết bị mà quan trọng làm thế nào để linh hoạt trong chuyển đổi mô hình kinh doanh và thích ứng được với sự chuyển đổi khoa học kỹ thuật. "Đây là hai điều kiện cần thiết và diễn đàn là nơi các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi, đề xuất làm thế nào để tháo gỡ trước khi có thể chuyển đổi sang 4.0 hay nền kinh tế số", Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay.

Đồng ý kiến, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KHCN cũng cho rằng trong xu thế nền kinh tế số đang phát triển như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng nên ồ ạt chuyển sang 4.0 "Không phải nghe đến cách mạng 4.0 hay kinh tế số mà chúng ta phải tìm mọi cách chuyển sang 4.0. Mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi số phù hợp".

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi về những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp kinh doanh dựa vào công nghệ số, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, năng lực nội tại của oanh nghiệp trong thực tiễn kinh doanh dựa vào công nghệ số.