- Dưới bàn tay dàn dựng còn loay hoay tập viết cho đúng chính tả điện ảnh, Gác kiếm bất ngờ trở thành phim thảm họa đầu tiên của điện ảnh Việt ở thể loại hành động, tội phạm, thách thức những đối thủ hài nhảm bị kêu ca bấy lâu nay.
Nói trắng ra là Gác kiếm cũng có cài cắm trong phim tình tiết về một cô sinh viên điện ảnh đang làm một phim bài tập ở thể loại hành động. Chi tiết kể ra cũng thú vị, nhưng nhìn trên những gì phim thể hiện, người ta có thể hiểu đó là cách phim biện minh cho tất cả những cẩu thả trong dàn dựng, cùng một mớ hỗn độn trong nội dung.
Hoa khôi Lại Hương Thảo (giữa) trong phim Gác kiếm. |
Nếu chỉ nhìn dòng giới thiệu phim trên trang web của một số hệ thống rạp, khán giả dễ nhầm lẫn là phim sao chép lại tác phẩm ăn khách Tịch dương thiên sứ với diễn xuất của Thư Kỳ, Triệu Vy, Mạc Văn Úy, cũng được giới làm đĩa lậu phổ biến với cái tên Gác kiếm. Đại khái phim kể về hai chị em quyết tâm trả thù cho cha mẹ nhờ hệ thống máy tính toàn cầu mà người cha để lại.
Còn nhìn trên trailer cũng chỉ thấy bộ phim của đạo diễn trẻ Tạ Huy Cường cố gắng trưng bày một chuỗi cảnh hành động và diễn viên tham gia mà không rõ nội dung thế nào. Một số cảnh xuất hiện trong trailer nhưng không được thấy trong phim, không rõ do kiểm duyệt ở khâu cấp phép hay do người làm phim tự ý thay đổi nội dung,
Chính xác thì Gác kiếm kể câu chuyện về cô gái tên Huyền (Lại Hương Thảo) bị mẹ đẻ bỏ rơi khi còn nằm nôi. Cô không hề biết cha nuôi mình là ông trùm giang hồ đang quyết tâm tranh giành địa bàn bảo kê, đòi nợ thuê với một bà trùm hung dữ không kém.
Ý tưởng không tệ cho một phim hành động, nhưng khi triển khai thành đường dây có thắt có mở, câu chuyện lại đâm ra lộn xộn, phi lý với vô số tình tiết được xây dựng theo hướng thật "tiện" cho đạo diễn. Những đoạn hồi tưởng được xen vào tùy tiện, những nhân vật bị áp đặt cảm xúc theo ý của tác giả, những đường dây nhánh không dẫn tới đâu và chẳng liên quan gì nhau...
Một cảnh trong phim Gác kiếm. |
Giống như các đối thủ ở thể loại hài nhảm được làm trong mưu cầu chi phí thấp nhưng khả năng thương mại tối đa, Gác kiếm tự cho phép mình dễ dãi trong những bối cảnh "ăn sẵn" ngoài cuộc sống cùng dăm ba cảnh nội được dàn dựng rất sơ sài. Dễ hiểu vì sao khán giả lại cảm giác như đang xem một bộ phim video, bằng cách nào đó đã được mang ra màn ảnh rộng để chiếu.
Nhưng để cho thấy mình hấp dẫn trong mắt khán giả, phim cố gắng ôm vào tất cả những gì câu khách nhất thường thấy trong một phim hành động. Cảnh rượt đuổi truy sát lòng vòng khắp thành phố bằng xe máy được ghép lại từ nhiều hình ảnh không liên hoàn theo chuỗi hành động, khiến nó như thể một màn trình diễn đua xe trái phép được biên tập lại. Cảnh đâm chém giữa hai nhóm giang hồ cũng mang tính chất minh họa tương tự.
Trong bối cảnh các rạp chiếu phía Nam chiếm phần lớn doanh thu trên thị trường và những bộ phim ăn khách nhất đều được làm tại TP.HCM, Gác kiếm với đội ngũ của điện ảnh phía Bắc cho thấy nỗ lực tương thích với thị trường qua cách lồng tiếng Nam cho một số nhân vật. Nhưng kết quả chỉ góp thêm phần lộn xộn cho bộ phim, giống như dàn diễn viên gồm đủ các người đẹp, ca sĩ, các nghệ sĩ ưu tú lẫn các anh chàng hầm hố có thể đánh đấm được.
Sau một thời gian dài, truyền thông lẫn dư luận xã hội đã cố gắng đấu tranh để phim Việt rộng đường ra rạp trong tình hình phim ngoại lấn át. Thế nhưng, cứ với tình hình nhiều phim gây thất vọng cũng được mang ra chiếu rạp, người ta có lẽ phải đặt lại vấn đề về sự sàng lọc, trước hết là từ guồng máy sản xuất và sáng tạo phim ảnh.
Bởi đối với tình hình phim Việt hiện nay, một thất vọng cũng là một mất mát trên đường tìm niềm tin nơi khán giả.
Minh Chánh