- Một hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung, trong một vòng tròn luẩn quẩn quan liêu và các khoản chi trả không chính thức bị đòi hỏi hoặc mời chào.
Đó là nhận định của bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) khi nói về kết quả khảo sát xã hội học 'Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức" do Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện, với tài trợ kinh phí của WB, UNDP và DFID.
Kết quả khảo sát tại 10 tỉnh, thành và 5 bộ, dựa trên "trải nghiệm thực tế" của nhóm 3 đối tượng trên, được công bố sáng nay 20/11 tại Hà Nội. Ý kiến của nhóm được phỏng vấn cho rằng, lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Trong đó, tham nhũng trong cảnh sát giao thông, quản lý đất đai được cho là 'rất phổ biến".
Bà Kwakwa đặt vấn đề phải "trung thực" với thực trạng tham nhũng đang diễn ra. Theo báo cáo, một hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung.
"Đây không phải đổ lỗi hay buộc tội ai, mà chỉ là nêu vấn đề một cách trung thực. Doanh nghiệp và người dân cần biết, họ có những lựa chọn khác ngoài việc hối lộ, và nếu không có sự lựa chọn khác, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần tạo ra các lựa chọn thay thế" - bà nói.
Không tiền không xong
Khảo sát cho thấy hơn 15% số DN đã trải qua tình huống, cán bộ, công chức lợi dụng quyền lực, tên tuổi hoặc uy tín đơn vị để gợi ý DN trả tiền hoặc tặng quà cho họ.
Một số cách thức tham nhũng được ghi nhận qua khảo sát như: có cán bộ, công chức xin mua rẻ nhà đất, tài sản... của DN để phục vụ cho mục đích cá nhân (5%), gợi ý DN trang bị hoặc cho mượn tài sản, phương tiện cho cá nhân, đề nghị tiếp nhận hoặc đề bạt, bố trí việc làm thuận lợi cho người thân quen (8%), đề nghị DN thanh toán chi phí đi lại, ăn uống, du lịch, tặng tiền/quà trong các dịp lễ, Tết...
Ảnh: Linh Thư |
Xấp xỉ 10% số DN nói rằng họ phải tiếp đón các chuyến viếng thăm không chính thức từ các cơ quan và đối tượng liên quan. Cơ quan kế hoạch - đầu tư và thanh tra, kiểm tra là hai cơ quan đứng đầu tiến hành quá nhiều các cuộc viếng thăm không chính thức trong 12 tháng qua.
Các đối tượng phỏng vấn trong khu vực DN được hỏi về tác động của chi phí không chính thức đến DN của họ. Gần 63% số DN trả lời tin rằng chi phí không chính thức 'tạo ra cơ chế ngầm giải quyết công việc một cách nhanh chóng". Khảo sát cũng ghi nhận khái niệm lợi ích nhóm, trong đó một nửa số DN được hỏi cho rằng nhóm lợi ích đang ngày càng có ảnh hưởng mạnh ở Việt Nam.
Với người dân, có 21% số người được hỏi nói ít nhất đã tự nguyện trả tiền ngoài quy định một lần. Trong đó, lý do là vì người khác cũng làm thế, hoặc thà mất tiền còn hơn phải đương đầu với các thủ tục rắc rối, không đưa tiền thì không xong việc...
Minh bạch
Nhận diện tham nhũng ngày càng phức tạp, báo cáo cũng đưa ra những khả năng, giải pháp khẳng định có thể giải quyết vấn đề tham nhũng. Bà Fiona Lappin, Trưởng Đại diện DFID tại Việt Nam quả quyết có thể giảm 40-50% mức độ tham nhũng nếu "thực sự" nỗ lực chống.
Về tính minh bạch, bà Fiona cho rằng, vấn đề này được nêu rất nhiều lần song việc thực thi chưa được nhất quán. Báo cáo nghiên cứu cho thấy có những nơi thực hiện tốt minh bạch, tỉ lệ tham nhũng, hối lộ đã giảm 40%. Từ kết quả này, bà cho rằng Việt Nam cần xây dựng các hệ thống để xử lý các đối tượng không thực hiện minh bạch, nhằm chỉ ra rằng minh bạch không phải là sự lựa chọn, mà là việc tuân thủ pháp luật.
Theo bà, luật pháp hiện tại về vấn đề này còn nằm rải rác ở nhiều luật, nghị định, pháp lệnh. Đã đến lúc cần phải tổng hợp tất cả vào luật về quyền tiếp cận thông tin.
Trong phần kiến nghị, báo cáo khảo sát cho rằng luật Đất đai sửa đổi phải hạn chế việc cưỡng chế thu hồi đất để giao cho những dự án tư nhân. Phải có thẩm định đất đai độc lập sẽ giúp giảm thiểu các cơ hội tham nhũng phát sinh do quyền ra quyết định quá lớn của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần làm rõ hơn vấn đề tặng và nhận quà biếu: cái gì được tặng và nhận, cái gì không được tặng và nhận. Hiện tại, quy định về tặng và nhận quà biếu đã hướng dẫn tương đối rõ về giá trị quà biếu mà cán bộ, công chức hay cơ quan được phép tặng, tuy nhiên, quy định này lại không hướng dẫn rõ về giá trị quà biếu mà cán bộ công chức hay cơ quan được nhận.
Một kiến nghị khác, đó là cần có những thay đổi luật pháp để những sai sót trong viết báo chí chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không phải các chế tài hình sự sẽ giúp tăng cường quyền lực cho báo chí để viết mạnh dạn hơn về tham nhũng ở mọi cấp....
Linh Thư