- “Lãnh đạo và đảng viên đều nhận thức rõ tham nhũng là nội xâm, là nguy cơ, nhưng lại không phải ở chỗ mình mà ở đâu đó rất xa” - Bí thư huyện ủy Hoài Đức, Hà Nội nói.
Lắng nghe dân để chống tham nhũng
Góp ý cho dự thảo Chương trình “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Thành ủy Hà Nội hôm nay (4/10) đánh giá hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của TP còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và sự mong đợi của nhân dân.
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Theo Bí thư quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Ngọc Minh, việc để kéo dài, chậm xử lý các vụ án tham nhũng đang ảnh hưởng đến kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật và niềm tin của nhân dân.
Bà Minh nhận định, một trong các nguyên nhân của những hạn chế này là một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa.
“Chưa có cơ quan nào phát hiện và nêu vấn đề nên mọi việc cũng trôi đi, hoạt động của ban chỉ đạo cấp cơ sở chưa hiệu quả, lúng túng về biện pháp, cách làm, chưa thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở…”, bà Minh nói.
Bí thư huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Ngọc Thạch cũng cho rằng vấn đề nằm ở nhận thức. “Lãnh đạo và đảng viên đều nhận thức rõ tham nhũng là nội xâm, là nguy cơ, nhưng lại không phải ở chỗ mình mà ở đâu đó rất xa”, ông Thạch nói.
Theo ông Thạch, tác động của mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang làm cho tham nhũng trở nên trầm trọng: “Người dân muốn được việc thì nghĩ cứ chi tiền bôi trơn là xong, người nhận cũng không ngại vì chủ nghĩa cá nhân”.
Ông cho rằng giải pháp chính là kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, thực hành dân chủ trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
“Phần lớn các vụ việc tham nhũng bị phát giác là do người dân, ít thấy các tổ chức đảng tố cáo các cán bộ lãnh đạo tham nhũng. Chính vì dân chủ cơ sở chưa được thực hành nên không ai dám tố cáo”, Bí thư huyện ủy Hoài Đức nói.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Lê Văn Hoạt cũng đồng tình “nhân dân là tai mắt” của chính quyền trong phòng chống tham nhũng.
“Bất chấp hệ thống các cơ quan tầng tầng lớp lớp, hàng chục các cuộc thanh gia, kiểm tra, vẫn có hơn 70% vụ việc tham nhũng lãng phí là do nhân dân phát hiện. Vì vậy cần chú trọng việc tiếp thu, theo dõi và giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân”, ông Hoạt nói.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thì thấy việc tố giác tham nhũng chủ yếu từ nhân dân và báo chí đã bộc lộ một hạn chế của hệ thống chính trị: còn yếu trong phát hiện, phát giác, đấu tranh trong nội bộ thông qua phê bình và tự phê bình.
“Bằng cách nắm bắt dư luận, ý kiến của cán bộ công chức và nhân dân, kịp thời xem xét những nội dung đang gây bức xúc, ta vừa phòng chống được tham nhũng, vừa khắc phục được những thiếu sót trong hệ thống hiện nay”, ông Thảo nói.
Lãng phí gây thất thoát không kém tham nhũng
Nhận xét về dự thảo chương trình, bà Ngọc Minh cho rằng phần chống lãng phí và thực hành tiết kiệm cần được đầu tư đúng mức hơn.
“Chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm là những vấn đề có thể gắn liền và liên quan đến nhau, nhưng cũng là những vấn đề riêng biệt. Tham nhũng thì phải giải quyết, xử lý, còn lãng phí, không tiết kiệm thì phải nhắc nhở ý thức”, bà Minh nói.
Ông Lê Văn Hoạt nhận định lãng phí gây thất thoát lớn không kém tham nhũng. “Nếu rà soát có thể phát hiện hàng trăm ha đất mấy năm để hoang không khởi công xây dựng, nhiều dự án đầu tư mấy chục tỷ đồng không được đưa vào hoạt động”, ông Nhuệ nói. “Sự lãng phí đó gây thiệt hại lớn không chỉ tiền bạc mà còn tổn hại niềm tin của nhân dân, tạo dư luận không tốt”.
GĐ Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cũng không né tránh những lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Ông chỉ ra đa phần các công trình thi công kéo dài gây tốn kém, thời gian chuẩn bị dự án kéo dài làm cho tổng mức đầu tư bị trội lên so với phê duyệt vì trượt giá, thay đổi giá cả và các phát sinh…
“Trong thẩm định phê duyệt các dự án còn nhiều bất cập về năng lực chủ đầu tư, chưa chủ động chọn được những nhà thầu có đủ điều kiện và năng lực thực hiện dự án, nhiều nhà thầu kém, rút ruột công trình, không quan tâm quản lý chất lượng công trình, buông lỏng quản lý chi phí, khai thác sử dụng chưa phát huy hết hiệu quả….”. Ông Nguyễn Thế Hùng đồng ý rằng tình trạng lãng phí trong lĩnh vực này là nghiêm trọng và cần được tập trung khắc phục.
Chung Hoàng