Và thế giới muốn nhắc nhở những kẻ vẫn còn nghĩ bạo lực là câu trả lời cho mọi vấn đề rằng “ngòi bút mạnh hơn thanh gươm”.

Thảm sát Paris: Vụ 11/9 của nước Pháp?

Nạn nhân thành biểu tượng

Khi đến tòa soạn của mình vào sáng ngày 7/1/2015, những họa sĩ của tuần báo Charlie Hebdo không bao giờ ngờ rằng họ sắp trở thành biểu tượng đoàn kết của giới báo chí toàn thế giới. Hai kẻ cực đoan đột nhập vào tòa soạn trưa hôm đó đã hành quyết 10 nhà báo, họa sĩ tranh biếm họa của tờ báo.

Vũ khí của những kẻ này bao gồm hai khẩu súng trường, một khẩu súng đạn hoa cải, và một khẩu súng phóng lựu. “Vũ khí” của 10 nhà báo, họa sĩ bị chúng sát hại chỉ là bút chì, màu vẽ, và giấy. 

Mục tiêu của chúng là gì? Rất rõ ràng, chúng muốn xả căm giận vào Charlie Hebdo, tạp chí biếm họa gây khá nhiều tranh cãi của Paris. Nhưng thực tế, chúng chỉ là những kẻ cực đoan.

Ngay lập tức, phản ứng của thế giới đã cho thấy việc làm của hai kẻ khủng bố là sai lầm. Nhà báo các quốc gia nhanh chóng đứng về phía các nạn nhân. Họa sĩ biếm họa thế giới tung ra tranh ảnh để bày tỏ sự cảm thông với những đồng nghiệp xấu số và lên án bọn khủng bố.

Thế giới Hồi Giáo cũng lên án chúng. Một học giả Hồi Giáo còn cho rằng những gì chúng là là “sự sỉ nhục đối với nhà tiên tri.”[1]

Phút chốc, báo chí tràn ngập hình ảnh cây bút chống lại lưỡi gươm và khẩu súng, đứng đằng sau là những tên khủng bố cực đoan sợ sệt.

Chúng hành quyết các họa sĩ của Charlie Hebdo vì cho rằng họ phải đền tội. Nhưng chúng đã biến những nạn nhân thành biểu tượng của nền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do thể hiện.

{keywords}

Một bức tranh được vẽ tưởng niệm vụ thảm sát. Ảnh: Lucille_clerc/ Buzzfeed.com

“Ngòi bút mạnh hơn thanh gươm”

Charlie Hebdo là một tạp chí nổi tiếng, cũng đồng thời là đối tượng bị chỉ trích không ít. Đôi khi sự châm biếm của họ bị đánh giá mang màu sắc phân biệt chủng tộc, cực hữu và phản tôn giáo.

Năm 2011, tòa soạn của Charlie Hebdo tại quận 20 Paris bị ném bom xăng. Lúc đó cũng đã có những nhà báo cho rằng Charlie Hebdo không xứng đáng được ca ngợi, cho dù quyền tự do báo chí của họ bị tấn công.[2] Ngay cả trong lần tấn công đẫm máu này, vẫn có những quan điểm Charlie Hebdo xứng đáng với mất mát đó.[3]

Tuy nhiên, cho dù những việc làm của Charlie Hebdo gây tranh cãi đến đâu, liệu họ có đáng bị trừng phạt bằng bạo lực và giết chóc? Và những kẻ “thi hành” án tử kia với 10 họa sĩ của Charlie Hebdo nhân danh gì và ai cho chúng cái quyền tước đoạt sinh mạng quý báu ấy?

Có lẽ cần phải phân định rõ ở đây. Thế giới đang tiếc thương cho những nạn nhân không nhất thiết vì họ chia sẻ quan điểm chính trị hay những tác phẩm có tính tranh cãi của Charlie Hebdo. Thế giới ủng hộ những nạn nhân bởi lẽ vụ khủng bố này như một lời thách thức đối với quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do thể hiện – những quyền năng thiêng liêng của con người. Và thế giới muốn nhắc nhở những kẻ vẫn còn nghĩ bạo lực là câu trả lời cho mọi vấn đề rằng “ngòi bút mạnh hơn thanh gươm”.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thể hiện trên thực tế không chỉ đơn thuần là quyền cá nhân của bất kỳ ai. Đó còn là một cách để kiến tạo xã hội, xây dựng Nhà nước và thúc đẩy cộng đồng. Đối thoại, tranh biện, chỉ trích luôn là những động lực để đưa xã hội đi lên.

Người châu Âu gọi giai đoạn 5 thế kỷ trước Phục Hưng là “Đêm dài Trung Cổ”. Trong màn đêm dài miên man ấy, con người không được lên tiếng, không được tranh luận, không được đối thoại. Dân chúng phải phục tùng những gì giới cầm quyền tin tưởng và cái chết chính là chế tài cho việc phản kháng, hoài nghi.

Cho đến ngày nay, luật pháp các quốc gia luôn đặt ra những giới hạn của quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do thể hiện. Nhưng không có quốc gia văn minh nào lấy cái chết hay sự đàn áp làm chế tài cả. Những gì tòa soạn báo Charlie Hebdo viết có thể gây phẫn nộ cho người theo đạo Hồi, cũng như nó có thể vi phạm pháp luật Pháp, nhưng chế tài họ bằng việc hành quyết như thời Trung Cổ chính là phi nhân tính.

Sức mạnh của đối thoại chính là để giải quyết những xung đột như giữa Charlie Hebdo và thế giới đạo Hồi. Điều đó có nghĩa là chế tài cho việc vi phạm quyền tự do ngôn luận phải là mở rộng hơn nữa quyền tự do ngôn luận.

Có thể dẫn một câu chuyện xảy ra cách đây 4 năm tại một quốc gia châu Âu khác là Na Uy, khi tên khủng bố Thiên chúa cực đoan Anders Brevik xả súng giết 77 mạng người. Điều gây ngạc nhiên hơn trong thảm nạn đó là hình ảnh thủ tướng Na Uy đương thời là Jens Stoltenberg, trong căm phẫn vô hạn, vẫn kêu gọi người dân “câu trả lời cho khủng bố là mở rộng dân chủ và cởi mở.”[4] Chứng kiến một quốc gia bình yên, bỗng chốc chịu mất mát như Na Uy lại có thể bình tĩnh như vậy chính là bài học cho cả thế giới.

Báo chí, mà Charlie Hebdo là thành viên, có chức năng là một diễn đàn, kênh thông tin có tổ chức, có giám sát mà ở đó các quan điểm được tự do biểu đạt. Tất nhiên, không ai dám chắc hệ thống không tạo ra những cái xấu, ô nhiễm. Nhưng sử dụng bạo lực cũng là một hành vi tồi tệ không kém. “Một mắt đổi một mắt chỉ khiến cả thế giới mù lòa” (Mohandas Gandhi).

Đầu thế kỷ 20, thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ là Louis Brandeis đã đưa những lời sau đây vào phán quyết một vụ kiện lịch sử của mình:“Chế tài nghiêm khắc cho những phát ngôn có hại chính là lý lẽ”. Hy vọng rằng Charlie Hebdo sẽ là mất mát cuối cùng vì lý do ngôn luận mà thế giới phải gánh chịu. Và con người dù khác nhau đến bao nhiêu cũng sẽ chọn lý lẽ và ngòi bút là vũ khí chứ không phải súng trường, lưỡi gươm.

Lê Nguyễn Duy Hậu 

-------

[1] What Muslim Scholars Say About Paris Attack, Onislam.net, 7/1/2015.

[2] Trong bài “Firebombed French Paper Is No Free Speech Martyr” ngày 2/11/2011, đại diện của tạp chí TIME tại Paris là nhà báo Bruce Crumley còn cho rằng tuy “bạo lực nhắm vào Charlie Hebdo là quá đáng, không thể chấp nhận được, đáng lên án và bất hợp pháp. Nhưng ngoài trừ bất hợp pháp thì tuần báo Charlie Hebdo hội đủ những điều trên.”

[3] People know the consequences: Opposing view, USA Today, 7/1/2015.

[4] Vi er alle rystet av ondskapen, aftenposten.co, 18/10/2011.