Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua quy định chống phá rừng ngày 29/6/2023, đồng thời áp dụng từ ngày 30/12/2024.

Một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10 năm nay và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Bà cho biết EU đang triển khai kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết thêm tháng 5/2023, các bộ trưởng của 27 nước thành viên EU họp tại Bỉ, đã bày tỏ ủng hộ với đề xuất Quy định Thiết kế sinh thái mới. Quy định này cần phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối năm 2023, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024.

W-detmay-1.png
Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí xanh.

Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái. Các yêu cầu ràng buộc về thiết kế sinh thái cho sản phẩm cụ thể để tăng hiệu suất của hàng dệt về độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng sợi tái chế bắt buộc, để giảm thiểu tác động xấu đến khí hậu và môi trường.

Quy định này sẽ cho phép các doanh nghiệp có khoảng thời gian để thích nghi, tối thiểu là 18 tháng, sau khi quy định mới có hiệu lực. Các quốc gia thành viên EU cũng có 2 năm để điều chỉnh cách thức áp dụng quy định chung và bổ sung thêm các biện pháp riêng đối với mỗi quốc gia, có thể bao gồm những biện pháp giám sát thị trường và xử phạt.

Lê Tuyết Nhung, Trần Bích Hạnh, Nguyễn Hoàng Hà