Vốn đầu tư Nhà nước “rót” vào các doanh nghiệp, nhưng đến khi chia lợi nhuận, các doanh nghiệp thường “lờ” khoản nàyhoặc cố tình kéo dài thời gian chi trả. Kết quả, hàng ngàn tỷ đồng lẽ phải trả cho ngân sách đang nằm trong két của các "ông lớn" nhà nước.

Vốn nhận, lãi ăn, quên phần ông chủ

Bộ Tài chính vừa đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước.

Lý do khiến Bộ Tài chính có động thái này là trước đó, Đại hội đồng cổ đông BIDV quyết định chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 8,5% và VietinBank quyết định không chia cổ tức.

Đáng nói là hiện phần vốn Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ “áp đảo” tại BIDV với hơn 95%, xấp xỉ khoảng 30.000 tỷ đồng. Còn vốn nhà nước ở VietinBank chiếm 64,46%, tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng.

{keywords}
Muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, BIDV và VietinBank phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường để xin ý kiến

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu - chia sẻ: Có thể Bộ Tài chính thấy ngân sách đang bội chi mà khoản đầu tư từ vốn nhà nước không được chia cổ tức, thì thiệt thòi quá. Cho nên, họ mới đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến để BIDV, VietinBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Nhưng để thay đổi quyết định của Đại hội đồng cổ đông, các ngân hàng trên lại phải tuân thủ một quy trình chặt chẽ, dù về nguyên tắc, Chính phủ là cổ đông lớn nhất của hai ngân hàng này và người đại diện phần vốn Nhà nước trong HĐQT các ngân hàng này có tiếng nói chi phối đến quyết định. Bởi lẽ, quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu hay không trả cổ tức của Đại hội đồng cổ đông đã là quyết định cuối cùng.

“Do đó, nếu muốn thay đổi, Hội đồng quản trị các ngân hàng phải triệu tập một Đại hội cổ đông bất thường để quyết định”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Thực tế, chuyện Bộ Tài chính “trầy trật” đi đòi lợi nhuận từ phần vốn Nhà nước đầu tư vào các DN không phải hiếm gặp.

Cuối năm 2015, Bộ Tài chính và Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) cũng tranh cãi về khoản tiền 86 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng của năm 2014, mà Vietsovpetro chưa nộp vào ngân sách. Đây là tiền dầu để lại chưa sử dụng hết và chênh lệch giá dầu năm đó. Bộ Tài chính cho rằng, Vietsovpetro “chây ì” trong khi Vietsovpetro lý giải, cơ quan chức năng giữa hai nước chưa đạt được sự thống nhất về phương án xử lý nên họ không có cơ sở để nộp khoản tiền trên.

Hồi năm 2014, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã tiến hành kiểm tra công tác thu lợi nhuận được chia từ việc đầu tư vào DN khác của 24 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước. Kết quả kiểm tra cho thấy, hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận của Nhà nước đã không được thu về kịp thời.

Cụ thể, theo thanh tra Bộ Tài chính, 24 DN có vốn nhà nước được kiểm tra đã đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng vào 662 DN khác. Lợi nhuận hoặc cổ tức được chia từ năm 2011-2013 là hơn 8.000 tỷ đồng, bình quân đạt 5,54%/năm. Nhưng đến tháng 6/2014, vẫn còn tới 748 tỷ đồng lợi nhuận hoặc cổ tức của 23/24 DN chưa thu về được.

Ngoài ra, khi kiểm tra phần vốn nhà nước đầu tư vào DN có vốn nước ngoài, thanh tra Bộ Tài chính thấy rằng, 12/24 DN được kiểm tra đã đầu tư vào 48 DN có vốn nước ngoài, với tổng số tiền hơn 7.100 tỷ đồng. Thế nhưng, phần thì bị thua lỗ, phần thì không được chia lợi nhuận.

Đơn cử, Công ty TNHH Phát triển khu công nghiệp Tân Thuận - đại diện cho UBND TP.HCM, góp 30% vốn vào một DN FDI là Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng để phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Công ty Phú Mỹ Hưng có lợi nhuận phát sinh từ năm 2010-2013 là hơn 3.700 tỷ đồng. Thế nhưng, đại diện vốn nhà nước là công ty Tân Thuận lại không hề được Phú Mỹ Hưng chia lợi nhuận hàng năm từ khoản đầu tư này.

Chưa kể, có 5 tổng công ty, qua kiểm tra kê khai thiếu số tiền 246 tỷ đồng phải nộp vào ngân sách nhà nước của lợi nhuận còn lại năm 2013.

{keywords}

Hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận của Nhà nước đã không được thu về kịp thời.

Thoái vốn, để tư nhân làm

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính “sốt sắng” với việc thu hồi khoản lợi nhuận, cổ tức từ phần vốn góp của Nhà nước tại các DN là hợp lý. Bởi lẽ, việc đầu tư phải đi kèm với lợi nhuận thu về để góp phần “giảm nhiệt” cho ngân sách trong bối cảnh nguồn thu khó khăn như hiện nay.

Việc Bộ Tài chính phát văn bản đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo BIDV, VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt chính là nằm trong kế hoạch của bộ này trong việc không để “lọt sổ” các khoản lợi nhuận từ những “ông lớn” nhà nước.

Năm 2016, Nghị Quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội giao chỉ tiêu thu cân đối Ngân sách nhà nước năm 2016 từ lợi nhuận còn lại và cổ tức từ vốn đầu tư nhà nước ở các DN cổ phần, DN 100% vốn Nhà nước là 55.000 tỷ đồng.

Vì vậy, việc thu phần lợi nhuận, cổ tức này vào ngân sách đang được Bộ Tài chính hết sức quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mới đây đã giao cho các đơn vị chức năng của Bộ này tập trung xử lý những khoản thu ngân sách nhà nước như cổ tức được chia, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng thương mại, các tập đoàn lớn, các DN thuộc Bộ Quốc phòng,... “đảm bảo thu đúng, thu đủ và sát số phát sinh”.

Từ câu chuyện Bộ Tài chính đòi cổ tức ở các ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu mở rộng vấn đề, liệu Chính phủ có nên tiếp tục đầu tư vào các DN nhà nước thuộc các lĩnh vực không cần phải nắm giữ. Đã đến giai đoạn, Chính phủ chỉ nắm giữ những vấn đề liên quan đến yếu huyệt của nền kinh tế như quốc phòng, giáo dục,...

“Tất cả những lĩnh vực kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được hãy trả về cho tư nhân và Nhà nước rút vốn dần”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Hà Duy