Hội thảo nhằm tổng hợp các ý kiến quan trọng phục vụ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Đất đai và Luật Hợp tác xã, là những luật có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng đông bào dân tộc thiểu số.

Ảnh minh họa

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, sau khi tổng kết hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết TW về kinh tế tập thể, năm 2022 Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó khẳng định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân và xác định trách nhiệm nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm chính, trực tiếp là của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Trong điều kiện nước ta còn khó khăn về mọi mặt ở vùng nông thôn, miền núi, kinh tế tập thể (tổ nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên minh HTX) có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa nông hộ với các nhà sản xuất và thị trường. Và thực tế ở các nước phát triển, mô hình kinh tế hợp tác đã phát triển mạnh và mang lại hiệu quả lớn.

Mặc dù Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được sửa đổi nhằm thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, kinh tế tập thể trong vùng DTTS&MN, nhất là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn chưa phát triển mạnh. Quy mô HTX chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phương thức sản xuất, vận hành, quản trị hợp tác xã còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất. Số lượng các HTX được thành lập mới, số các HTX hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh về quy mô còn chưa nhiều…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là: (i) do chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ phù hợp, giải quyết đất đai, vốn và công nghệ cho các hợp tác xã; (ii) một số cơ chế được quy định trong luật nhưng chậm, chưa cụ thể hóa, hoặc việc cụ thể hóa nhưng khó thực hiện trong thực tiễn do yếu tố nguồn lực, điều kiện đảm bảo và chưa khả thi; (iii) nhận thức của một bộ phận cán bộ, chính quyền các cấp và người dân còn chưa đầy đủ về thành phần kinh tế tập thể này; (iv) cơ quan, bộ máy quản lý nhà nước chưa có nhiều đổi mới theo hướng chuyên trách để kiến tạo, hỗ trợ thành phần kinh tế này phát triển.

Vừa qua, Hội đồng Dân tộc đã phối hợp cùng với các chuyên gia của Ngân hàng Châu Á (ADB) tổ chức các chuyến khảo sát tại các tỉnh: Yên Bái, Bạc Liêu, Đắk Lắk để lắng nghe ý góp ý của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các sở, ban, ngành liên quan đã thu thập được nhiều ý kiến có giá trị trong việc thể chế 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20-NQ/TW trong dự thảo Luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe các tham luận và thảo luận, trao đổi các vấn đề xung quanh những bất cập, vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật hiện hành về phát triển kinh tế hợp tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị sửa đổi, bổ sung vào Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thời gian tới; các loại hình kinh tế tập thể và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng Luật Hợp tác xã để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kdăm yêu cầu, Tiểu ban Văn hóa xã hội của Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, tiếp thu ý kiến tại Hội thảo, hoàn thiện dự thảo báo cáo góp ý Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đặc biệt tập trung quan tâm các ý kiến hoàn thiện quy định 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, nhất là chính sách tiếp cận mặt bằng sản xuất, tiếp cận tín dụng, chính sách tiếp thu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, chính sách bảo hiểm… cân nhắc tính toán đề xuất cho phù hợp và cả tính đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm hy vọng, việc sửa đổi Luật lần này sẽ tạo ra nhiều đổi mới quan trọng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX phát triển hiệu quả, là thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đúng như tinh thần, quan điểm của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương Đảng khoá XIII mới ban hành.

Hồ Nhi