MediaTek khởi nghiệp năm 1997 với việc chế tạo linh kiện và phác thảo thiết kế cho hàng loạt sản phẩm điện tử tiêu dùng như ổ đĩa CD-ROM, máy phát DVD, tivi. Khi gia nhập vào thế giới điện thoại, công ty Đài Loan trở thành nhà cung ứng cho các thiết bị 2G, 3G giá rẻ của Trung Quốc, giúp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tsai Ming Kai trở nên nổi tiếng.

Tsai là người hâm mộ của Clayton Christensen, Giáo sư Đại học Kinh tế Havard và học thuyết của ông về các doanh nghiệp trẻ có thể thế chỗ những doanh nghiệp truyền thống như thế nào. MediaTek từng bị các đối thủ khác bỏ xa nhưng nay đang trên đường tìm cách xâm nhập vào thị trường smartphone Mỹ và Tây Âu. Một đối thủ sừng sỏ đang trong tầm ngắm của MediaTek là Qualcomm.

Tài năng của MediaTek nằm ở việc giúp các nhà sản xuất smartphone tiếp thu mọi thứ nhanh chóng. Hãng cung cấp các thiết kế tham khảo để các hãng làm theo cho điện thoại của mình. Phó Chủ tịch MediaTek, Jeffrey Ju cho biết: “Chúng tôi giảm vòng thiết kế điện thoại, sản xuất đại trà từ 1,5 năm xuống còn 6 tháng. Mọi người hạnh phúc vì điều đó”.

Năm 2015, MediaTek xếp hạng 788 trong danh sách 2.000 công ty lớn nhất thế giới, tăng từ hạng 1.029 của một năm về trước. Ngoài ra, hãng còn phát triển bộ xử lý ứng dụng và chip modem mạng trong các smartphone giá rẻ. Tuy nhiên, Qualcomm, công ty xếp hạng 156, lại là chuyên gia trong bộ vi xử lý điện thoại di động và modem mạng mới nhất – LTE. Với các điện thoại đầu bảng, các nhà sản xuất hàng đầu đều lựa chọn dòng chip Snapdragon của Qualcomm.

Trong khi rõ ràng Qualcomm đang chiếm ưu thế dẫn đầu trong công nghệ modem, MediaTek cũng chi không ít tiền để bắt kịp. Trong năm qua, hãng mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Bangalore, Phần Lan và San Diego, nơi chỉ cách trụ sở Qualcomm 15 phút đi bộ. Ông Ju kỳ vọng trong 1 năm, modem LTE của MediaTek có thể cạnh tranh được với Qualcomm. Trong dòng chip mới cho điện thoại cao cấp có tên Helio, modem LTE được tích hợp chế độ “world mode”, cho phép thiết bị tương thích với phần lớn mạng lưới của các nhà mạng tại các nước khác nhau. Hiện, MediaTek đang trong quá trình xin chứng nhận với các hãng viễn thông Verizon, AT&T và T-Mobile để bán điện thoại dùng mạng LTE của họ tại Mỹ.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, MediaTek đang là nhà sản xuất modem LTE lớn thứ hai thế giới. Đến năm 2013, Qualcomm vẫn kiểm soát 95% thị trường, nhưng sang năm 2014, thị phần của hãng giảm còn 66% còn MediaTek vươn lên 17%. Năm tiếp theo, công ty Đài Loan đặt mục tiêu giành hơn 40% thị trường LTE tại Trung Quốc. Các nhà phân tích của UBS tin rằng nhiều nhà sản xuất smartphone cao cấp của Trung Quốc sẽ chuyển từ Qualcomm Snapdragon sang sản phẩm MediaTek.

Dù vậy, Qualcomm dường như không quá lo lắng. Phó Chủ tịch Tiếp thị toàn cầu Tim McDonough thừa nhận: “Thị trường chip luôn siêu cạnh tranh. LTE là chìa khóa của chúng tôi vì chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ và duy trì lợi thế cạnh tranh đáng kể”.

Một trong những con đường khai phá thị trường Mỹ và châu Âu của MediaTek là dựa vào nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc. Trong vài năm tới, chúng ta có thể chứng kiến thể thống nhất trong thị trường smartphone Trung Quốc, với những tên tuổi hàng đầu “mang chuông đi đánh xứ người”. Các ứng cử viên sáng giá bao gồm Xiaomi, Huawei, OnePlus, Lenovo và Coolpad. Phần lớn đều đã lên kế hoạch sớm tấn công thị trường Mỹ. “Ngày nay, khi nói về các thương hiệu toàn cầu, họ nói về Apple và Samsung. Tuy nhiên, về sau, họ sẽ phải nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm. Với MediaTek, ưu tiên khá đơn giản: Chỉ gắn bó với Trung Quốc. Đó là cơ hội duy nhất để MediaTek toàn cầu hóa”, Eric Chen, nhà phân tích của UBS nhận định.

Các thị trường mới nổi như Ấn Độ, châu Phi cũng đại diện cho các cơ hội của MediaTek nhưng triển vọng lợi nhuận thấp hơn tại Mỹ. “Tại thị trường mới nổi, câu chuyện xoay quanh sản lượng; tại các nước phát triển, nó lại là về các sản phẩm chất lượng cao hơn tạo ra lợi nhuận biên tốt hơn. Cả hai đều quan trọng với chúng tôi”, Giám đốc Tài chính MediaTek David Ku cho biết. Ấn Độ hiện là thị trường lớn thứ hai của MediaTek. “Chip Qualcomm tốt hơn nhưng với mức giá thấp của MediaTek, họ sẽ có được phạm vi tiếp cận rộng hơn tại các thị trường đang phát triển”, Mark Li, nhà nghiên cứu của Sanford C. Bernstein & Co nhận xét.

Tham gia vào cuộc chiến smartphone không hề đơn giản. Nhà sản xuất chip Broadcom và Texas Instrument trở nên yếu thế trong vài năm gần đây. Nvidia cũng cho biết sẽ bán mảng modem smartphone. Nói về thị trường điện thoại, nhà nghiên cứu Stacy Rasgon gọi đây là “chương trình kinh dị”. Tỉ suất lợi nhuận của MediaTek và Qualcomm đang bị đe dọa khi Trung Quốc đang chuẩn bị phát triển hệ sinh thái chip riêng với các nhà sản xuất được chính phủ hỗ trợ như Spreadtrum. Không thể không kể đến Intel, ông lớn đang tìm mọi cách để thâm nhập thị trường điện thoại sau khi đã bỏ lỡ làn sóng smartphone đầu tiên và không hề e ngại bị tổn thất hàng tỷ USD. Intel đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào Tsinghua Unigroup thuộc Spreadtrum để năm 20% cổ phần.

Dù vậy, cuộc chiến với Qualcomm vẫn là vấn đề đáng chú ý nhất với MediaTek. Song, khi đang muốn khuấy động thị trường, mảng kinh doanh truyền thống của hãng lại gặp khó khăn, kết hợp với chi phí nghiên cứu, phát triển tăng mạnh đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Lợi nhuận ròng dự kiến giảm 15% trong năm 2015 xuống còn 1,3 tỷ USD dù doanh thu dự kiến tăng 5% lên 7,4 tỷ USD. Giá cổ phiếu MediaTek cũng đã giảm hơn 11% trong năm nay.

Nhưng Qualcomm có lẽ cũng gặp phải không ít khó khăn. Khách hàng lớn nhất của họ, Samsung, đã chọn bộ xử lý ứng dụng tự phát triển trong Galaxy S6 thay vì dùng dòng chip Snapdragon.

Trong vài năm tới, thế giới sẽ nhìn vào Trung Quốc để chờ đợi thứ lớn lao tiếp theo diễn ra trong smartphone, khi ấy MediaTek và Qualcomm sẽ nổ ra cuộc chiến lớn chưa từng có. “Qualcomm sẽ làm mọi thứ có thể để duy trì thị phần, còn chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để chiếm thêm thị phần”, Giám đốc Tài chính MediaTek dự đoán.