Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phần lớn điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, song có vị trí chiến lược quan trọng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 xác định vai trò quan trọng của việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ lớn.

Bởi vậy, Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) đặt mục tiêu đảm bảo 100% số xã với điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn sẽ có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các khu vực này.

20241008_092344.jpg
Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy dự án về giảm nghèo thông tin.

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy dự án về giảm nghèo thông tin tại các khu vực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó nâng cao và làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, xã hội.

Thôn Cả, xã Ban Công từng là địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Bá Thước, thu nhập của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống vô cùng chật vật. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, lồng ghép các Chương tình mục tiêu quốc gia, thôn Cả đã từng bước khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm, chỉ còn 2 hộ. Địa phương chú trọng chuyển đổi số, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí để hỗ trợ công tác giảm nghèo thông tin cho bà con.

Hiện tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng điện thoại thông minh chiếm trên 80%. Ngoài điện thoại thông minh, các gia đình đều có điều kiện trang bị tivi thông minh, kết nối inernet để cập nhật thông tin thời sự, cách trồng trọt, chăn nuôi khoa học và tìm hiểu về các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hệ thống truyền thanh cơ sở đã hoạt động thường xuyên có hiệu quả, tiếp sóng, thu phát các chương trình của Đài Truyền thanh huyện; xây dựng các tin, bài, nội dung để phát sóng hàng ngày.

Trong đó, hệ thống truyền thanh đều dành thời lượng lớn để tuyên truyền về công tác giảm nghèo; phổ biến, biểu dương những mô hình phát triển kinh tế, những điển hình tiên tiến trong và ngoài địa phương để nhân dân được cập nhật, học hỏi những cách làm hay, phù hợp và hiệu quả nhất.

Các hộ gia đình thường xuyên được cấp phát sách, báo miễn phí. Cùng với đó, chính quyền và nhân dân thôn Cả còn thành lập tủ sách pháp luật, giúp bà con có thêm nguồn chính thống, cập nhật thông tin đầy đủ.

Gia đình anh Phạm Văn Cường là hộ nghèo của thôn Cả. Cùng với sự tăng cường thông tin và hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu quốc gia, anh đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố và biết cách chăn nuôi bò sinh sản.

Từ lứa bò đầu tiên, anh đã nhân giống bò thành đàn 4 con. Thời gian tới, nếu thuận lợi, anh sẽ tiếp tục nhân giống và phát triển chuồng trại nuôi bò thịt. Điều anh mong muốn và cũng là đích đến của các cấp chính quyền nơi đây là anh sẽ tự lực vươn lên, thoát khỏi hộ nghèo.

Huyện Như Xuân cũng là khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện Tiểu dự án 1 giảm nghèo về thông tin, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện nhằm tăng cường nội dung và cơ sở vật chất phục vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,

Đến nay, huyện có 127 thôn, làng, khu phố có tổ công nghệ số cộng đồng; 16/16 xã, thị trấn đều có điểm bưu điện văn hóa xã, cung cấp thông tin phục vụ nhân dân. 16/16 xã, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh vô tuyến trong đó có 1 hệ thống đài truyền thanh thông minh phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Để người dân thôn Cả cũng như các thôn, bản vùng dân tộc thiểu số khác tiếp cận thông tin dễ dàng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng các chương trình phát thanh về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, về các mô hình làm kinh tế hiệu quả,… để từ đó bà con kịp thời cập nhật thông tin, góp phần giúp họ tiếp cận tri thức mới để có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.