Theo thống kê, Thanh Hóa có tổng đàn gia cầm khoảng 23 triệu con. Trong đó chăn nuôi nông hộ chiếm trên 80%, còn lại là chăn nuôi tại các trang trại, gia trại. Do chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ nhiều, lại phân tán, nhỏ lẻ nên việc kiểm soát dịch bệnh rất khó và nguy cơ tái phát lây lan dịch cúm gia cầm ở khu vực này thường rất cao. 

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát vận chuyển giết mổ gia cầm; kiểm soát tốt nguồn thức ăn, nguồn giống nhằm đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

cumgiacam.png

Theo báo cáo mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến hết ngày 30/9 toàn tỉnh mới đạt 71,5 % kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2021. Trong đó một số huyện có tỷ lệ tiêm phòng đạt cao như: Triệu Sơn 98%, Thạch Thành 97,9%, Vĩnh Lộc 83,7%, Nông Cống 78,4%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều huyện chưa quan tâm thực hiện nên kết quả đạt thấp, như: Quan Sơn 9,8%, Mường Lát 16,6%, Quan Hóa 46,2%...

Để sớm hoàn thành công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi nhằm ngăn chặn, phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 15291/UBND-NN chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2021 theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 233/TB-UBND, ngày 20/9/2021 và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/10.

Nếu sau thời gian trên, địa phương nào chưa hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 2/2021, để dịch bệnh xâm nhập, tái phát và lây lan, chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời tổng hợp, báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề phát sinh vượt thầm quyền.

Việc đốc thúc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2021 thể hiện sự chủ động trong phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn huyện. Tăng cường các biện pháp dự phòng tích cực và chủ động phát hiện kịp thời, bao vây, khống chế và quản lý dịch. 

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm A/H5N8 đã xảy ra tại một số tỉnh trong cả nước, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Văn Bắc