Sáng nay, ngày 26/4, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai các nội dung thực hiện chuyển đổi số năm 2022.
Theo đó, có 27 điểm cầu tại UBND cấp huyện, 559 điểm cầu cấp xã, 206 điểm cầu tại các thôn, bản, khu phố tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ TT&TT, các bộ ngành Trung ương, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước đạt được những kết quả.
Trong quý I năm 2022, Thanh Hóa đã tiếp nhận 77.797 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 đạt 98,54%, tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 4 đạt 95,76%.
Nền tảng chia sẽ tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh Thanh Hóa là một trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; đã tích hợp 1.443 đơn vị của tỉnh (cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị sự nghiệp), phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã và kết nối, chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, như trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính ngân hành, thuế, hải quan…
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã đưa ra vấn đề về chuyển đổi số và định hướng nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai, giới thiệu về nền tảng chuyển đổi số phục vụ người dân và giới thiệu mô hình chuyển đổi số cấp huyện, xã để áp dụng triển khai tại các địa phương.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi số tại Thanh Hóa bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao…
Tuy nhiên, theo ông Liêm, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức chưa hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số tại các đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được quan tâm đúng mực, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
“Mục tiêu của Thanh Hóa đặt ra đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chuyển đổi số, 90% người dân, doanh nghiệp trở lên hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất… Do đó, đây là hội nghị rất quan trọng, giúp địa phương sớm cụ thể mục tiêu này”, ông Liêm cho biết.
Lê Dương