Trước đây, phụ nữ dân tộc thiểu số thường e dè, tự ti thì nay họ đã tự tin, mạnh dạn hơn, gánh trên vai trọng trách của một người chủ doanh nghiệp. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hoá đã và đang từng bước chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong quá trình đưa nông sản vùng cao nâng tầm OCOP, được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. 

Xuất phát từ lợi thế rừng Quan Sơn có hơn 54ha luồng, bương, vầu, nứa... là nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến măng khô. Măng bương ở vùng đất này cũng trở nên nổi tiếng vì có độ mềm, giòn và thơm ngon. Đây cũng là nguyên liệu chính tạo nên thương hiệu măng khô Nang Non.

Để có sản phẩm chất lượng, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu phải tươi, ngon, măng phải được phơi khô tự nhiên, không chất bảo quản, đóng gói kín, hút chân không. Hiện, măng khô Nang Non đã trở thành mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng và giữ được giá trị trên thị trường nông sản. Nhờ cây măng, đời sống của nhiều hộ dân huyện vùng cao Quan Sơn ngày càng khấm khá.

anh man hinh 2024 02 27 luc 205341.png
Nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng tầm giá trị đặc sản vùng cao.

Nhiều đánh giá cho rằng, việc các sản phẩm đặc sản vùng cao tiếp cận thị trường thường không dễ và thành công của măng khô Nang Non, thịt bò khô Mường Hạ, gạo nếp Cay Nọi Mường Xia chính là nhờ áp dụng công nghệ thông tin trong mở rộng thị trường.

Đặc biệt, những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây chính là những người đã “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP. Họ tích cực tham gia rất nhiều lớp tập huấn do các đơn vị, sở, ngành tổ chức, qua đó đã học hỏi, biết cách để đưa sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, hiện nay không chỉ người tiêu dùng trong nước mà cả ở nước ngoài cũng biết đến và đặt mua sản phẩm của huyện vùng cao Quan Sơn. 

Tương tự như măng khô Nang Non, gạo đặc sản Cay Nọi của huyện Mường Lát cũng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm gạo Cay Nọi hiện đã cung ứng đến các siêu thị lớn của tỉnh, tham gia hội thảo, hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thị trường.

Dự định trong tương lai, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng tầm giá trị cho gạo Cay Nọi, Hợp tác xã nông lâm Chung Thành trên địa bàn huyện Mường Lát sẽ cùng bà con xây dựng mô hình Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn. Đây sẽ là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Cay Nọi Quang Chiểu có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định, xóa bỏ dần tình trạng được mùa, mất giá. 

Khánh Vy