Trước sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm A/H5N8, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác xâm nhiễm, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các cơ sở, trưởng ban, ngành cấp tỉnh có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thú y; Công điện khẩn số 4154/CĐ-BNN-TY ngày 02/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 04/4/2019, Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 29/01/2021.

{keywords}
Thanh Hóa ra công điện khẩn yêu cầu kiểm soát dịch cúm gia cầm A/H5N8. Ảnh Thanh Hà

Theo đó, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành y tế.

Khẩn trương tổ chức, phân công lực lượng giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, khu phố, nhất là các chợ buôn bán gia cầm để phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch trên gia cầm. Thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm để phối hợp phòng, chống hiệu quả. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo để lây lan bệnh dịch.

Tổ chức rà soát tổng đàn gia cầm, thực hiện tiêm phòng triệt để vắc-xin cúm gia cầm đảm bảo đúng kế hoạch, đạt tỷ lệ 100% gia cầm thuộc diện tiêm phòng.

Trong trường hợp xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N8 trên địa bàn, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, sử dụng các loại vắc xin cúm gia cầm đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả đối với chủng virus cúm gia cầm A/H5N6 để tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao.

Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn, nhất là các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao, vùng ổ dịch cũ, chợ buôn bán, cơ sở giết mổ gia cầm... bằng hóa chất sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm.

Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm.

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm lưu hành virus cúm A/H5N8, A/H5N1, A/H5N6 và các loại cúm gia cầm khác trên đàn gia cầm. Bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Thanh Hà