Mời quý độc giả theo dõi video:

Ngày 2/3/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND “Về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định tập trung giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn...

Năm 2023, toàn tỉnh giảm được gần 14.600 hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,99% năm 2022 xuống còn 3,52% cuối năm 2023), vượt chỉ tiêu đề ra.

Đến nay, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Toàn tỉnh xây dựng được 63 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 21,8 tỷ đồng.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều, Thanh Hoá đặc biệt chú trọng thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ truyền thông về giảm nghèo đa chiều, các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần làm người nghèo thay đổi nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, từ đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xã Định Hưng là một trong những địa bàn làm tốt công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều. 

Những năm qua, chính quyền xã cùng chính quyền thôn đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường truyền thông về giảm nghèo. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần tạo động lực và sự lan toả chương trình. Địa phương thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, thường lồng ghép các nội dung về tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Trực tiếp vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất tăng thu nhập.

Bên cạnh các phương thức tuyên truyền trực tiếp, xã Định Hưng đẩy mạnh đa dạng truyền thông về giảm nghèo, từ loa truyền thanh, tờ rơi, sử dụng nền tảng số…

Đơn cử Hổ Thôn, thôn đã làm tốt chuyển đổi số hoạt động truyền thông, tổ chức các câu lạc bộ đọc sách, báo, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Hiện, trong thôn chỉ còn hai hộ nghèo thuộc diện chính sách. Với 2 trường hợp này, các cấp chính quyền đã có phương án hỗ trợ, tạo sinh kế kết hợp tuyên truyền để họ vượt lên số phận, vươn lên thoát nghèo.

Anh Nguyễn Văn Minh - mắc bệnh tim đã nhiều năm, sức khỏe suy yếu, con cái còn nhỏ. Việc thuốc thang, chạy chữa tốn kém. Vì vậy, kinh tế gia đình ngày một sa sút, khó khăn. Với sự động viên, tuyên truyền, hỗ trợ của địa phương, anh được tặng đôi bò sinh sản.

Từ các kiến thức được tuyên truyền, học hỏi thêm qua internet, sách, báo, anh cùng vợ chăm sóc, nhân giống đàn bò. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh dần cải thiện, cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Anh quyết tâm thoát  nghèo trong thời gian tới.  

Tính đến thời điểm này, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Định Hưng đạt 83%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,55%.

Xã Cổ Lũng là vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bá Thước. Những năm qua, xã chú trọng công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Qua đó, tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung; đưa điện, internet đến các thôn, bản khó khăn.

Từ những lợi thế, kết hợp việc xã tuyên truyền, định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ấm Hiêu, người dân trong xã tham gia dự án tập huấn, học hỏi cách chế biến các món ăn truyền thống như vịt Cổ Lũng, cá nướng, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp.

Hiện trên địa bàn xã có hàng trăm hộ tham gia các mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, nuôi vịt Cổ Lũng có 1 doanh nghiệp và 1 HTX, 150 hộ tham gia nuôi với tổng đàn hơn 20.000 con. Trong đó, có 7 hộ nuôi giống vịt bản địa Cổ Lũng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hộ phát triển du lịch cộng đồng có 24 hộ.

Các mô hình đều phát huy hiệu quả, tạo việc làm, doanh thu cho các hộ. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 27,01% và hộ cận nghèo là 25,27%.