Mời quý độc giả theo dõi video:
Thanh Hóa có 11 huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú.
Mỗi dân tộc có một đặc trưng văn hóa riêng, thể hiện bản sắc của dân tộc mình. Trong đó, trang phục dân tộc được xem là một yếu tố nhận diện, phân biệt của mỗi dân tộc. Mỗi bộ trang phục không chỉ thể hiện nét riêng, độc đáo, thấm nhuần giá trị văn hóa truyền thống mà nó biểu hiện nếp sống, thể hiện trình độ thủ công truyền thống và quan điểm thẩm mỹ của mỗi tộc người.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là chủ trương đang được tỉnh quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh dự kiến chi gần 62,2 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh trên 46,4 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 11,6 tỷ đồng và kinh phí xã hội hoá gần 4,2 tỷ đồng để thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số".
Nguồn kinh phí trên sẽ được sử dụng vào nhiều nhiệm vụ như: Sưu tầm, số hóa hệ thống nghề thủ công hiện có của 6 dân tộc thiểu số (về nguyên liệu, kỹ thuật, quy trình sản xuất, cách thức sử dụng…).
Xây dựng 6 mô hình mặc trang phục truyền thống vào các ngày trong tuần và trong các hoạt động chung, ngoại khóa… tại trường Dân tộc nội trú tỉnh và huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân, Quan Sơn, Mường Lát.
Xây dựng 3 mô hình giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch từ trang phục truyền thống dân tộc Thái, Mường, Dao tại các khu, điểm du lịch: Pù Luông, thác Ma Hao,
Xã Lũng Niêm (Bá Thước) đã tích cực khôi phục nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch trải nghiệm. Cơ sở của bà Hà Thị Lý là địa điểm thường được khách du lịch ghé thăm.
Từ khi là thiếu nữ mới lớn, bà đã được mẹ dạy nghề trồng dâu, dệt vải, thêu thùa. Đã có bao nhiêu tấm khăn, tấm váy thổ cẩm được dệt, thêu nên bởi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Thái này.
Nhiều năm trôi qua, chứng kiến sự đổi thay của thời đại, bà nhìn thấy nghề dệt thổ cẩm đang dần có nguy cơ mai một, trong khi đó những người biết dệt chủ yếu là ở độ trung niên và cao tuổi.
Do đó, với tâm huyết phục dựng, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc, cùng sự khuyến khích, hỗ trợ của các cấp chính quyền, bà từng bước gây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thổ cẩm. Các sản phẩm thổ cẩm của bà đã đạt sản phẩm OCOP của tỉnh và được đưa đi giới thiệu tại nhiều sự kiện thương mại, quảng bá sản phẩm khắp cả nước.
Thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, Ngọc Lặc với đa số là bà con dân tộc Mường. Những người phụ nữ nơi đây không lập thành cơ sở nhưng họ vẫn tự thêu, may trang phục truyền thống cho bản thân mình. Vào những dịp lễ, Tết, trang phục rực rỡ của họ lại rực rỡ, tỏa sắc khắp mọi nẻo đường.
Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Mỗi khi có du khách đến thôn, bà con sẽ mời họ mặc trang phục dân tộc Mường và tham vào trò diễn Pồn Poong, để hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.
Việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển bền vững văn hóa, làm cho trang phục truyền thống phổ biến, nâng cao lòng tự hào dân tộc.