Bên cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ, Châu Âu đã trở thành thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa được số lượng lớn loại quả này vào EU thì không phải chuyện dễ. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần nâng cao chất lượng của trái thanh long hơn nữa.

Trao đổi với VTV, bà Phan Thu Thủy, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc cho biết nếu muốn đưa được loại quả này vào Châu Âu, doanh nghiệp phải căn cứ vào kết quả kiểm tra của thành viên EU về ô nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ủy ban châu Âu quyết định tăng tần suất kiểm tra đối với các lô hàng thanh long của Việt Nam là 20% - tăng 10% kể từ tháng 12 năm 2021. Trong nhóm nông sản, thanh long là mặt hàng duy nhất bị tăng tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, theo thông báo của Ủy ban châu Âu.

Ngoài ra, trái thanh long muốn xuất khẩu vào thị trường EU thì phải đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường này, yêu cầu kiểm nghiệm tối thiểu 510 loại hóa chất khác nhau. Thanh long thuộc kích cỡ từ 400 - 600 gram/quả, màu đỏ của vỏ chiếm 70% sẽ được ưa chuộng hơn.

"Đặc biệt, muốn tiêu thụ được sản lượng lớn thanh long, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản phẩm vào các siêu thị lớn tại thị trường nội địa. Điều này cần có các đại diện thương mại để thay mặt doanh nghiệp giao thương trực tiếp với khách hàng lớn. Bên cạnh đó, họ còn tham gia các hội chợ quốc tế tổ chức tại châu Âu để mở rộng thị trường và tăng nhận diện thương hiệu." Ông Như Nguyễn, Giám đốc công ty VIEC chia sẻ với VTV.

Thông thường, 90% sản lượng thanh long sẽ được xuất khẩu vào thị trường truyền thống là Trung Quốc. Lý do là bởi công ty xuất khẩu thanh long lớn cho rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhu cầu cao do đông dân, lại gần Việt Nam nên giá thành sẽ không bị đội cao lên, rất dễ tiêu thụ, trong khi đó các thị trường khác đều gắt gao. Tuy nhiên, năm nay khi việc xuất khẩu thanh long vào thị trường này đang bị tạm dừng, giá thanh long tại nhiều địa phương đang giảm mạnh, tạo áp lực không nhỏ tới người trồng và nhiều doanh nghiệp.

Trước thực tế trên, trong thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng chung tay xúc tiến đưa quả thanh long vào thị trường Ấn Độ với 1,4 tỷ dân. Theo các doanh nghiệp, thị trường Ấn Độ tiềm năng không kém thị trường Trung Quốc bởi Ấn Độ vừa có thể tiêu thụ số lượng lớn, chất lượng yêu cầu không quá cao. Tuy nhiên, có một số khác biệt giữa thị trường Ấn Độ với thị trường Trung Quốc.

"Thị trường Trung Quốc thích quả càng to càng tốt nhưng thị trường Ấn Độ thích quả nhỏ và trung bình. Tuy nhiên, hiện thanh long của Việt Nam tỷ lệ quả to lại nhiều hơn quả nhỏ - đó là một vấn đề khó đáp ứng thị trường Ấn Độ", ông Lê Vương Quốc - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần GIMEX cho hay. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quả thanh long Việt Nam vào Ấn Độ tăng trưởng 7 tháng đầu năm tài chính 2021 - 2022 tăng tới trên 200%.

Ngoài ra, trái thanh long còn có thể đẩy mạnh sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, để làm được điều này, từ người trồng cho tới doanh nghiệp phải liên kết đồng bộ, thay đổi canh tác đạt chuẩn phù hợp với yêu cầu của các thị trường lớn.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

300 nghìn tấn thanh long chờ hái: Rất cấp bách, đừng chờ 'sung rụng'

300 nghìn tấn thanh long chờ hái: Rất cấp bách, đừng chờ 'sung rụng'

Khoảng 300.000 tấn thanh long vào vụ thu hoạch, Trung Quốc lại tạm dừng nhập khẩu. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói Bộ NN-PTNT sẽ cố gắng hết sức để kết nối tiêu thụ, nhưng địa phương cũng phải chủ động, đừng ngồi chờ “sung rụng”.