Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là một trong những tiêu chí cơ bản của phong trào xây dựng nông thôn mới.

{keywords}
Thanh niên tình nguyện góp sức xây dựng nông thôn mới.

Di sản văn hóa dân tộc không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc để ứng xử bằng lòng tự hào, sự hiểu biết và quý trọng các giá trị văn của dân tộc. Xác định rõ xây dựng quê hương là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua, thanh niên Đắk Lắk đang ra sức cống hiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng cho mình hình ảnh xung kích đi đầu trong các phong trào tình nguyện, trong đó có giữ gìn bản sắc, di sản văn hóa dân tộc.

Một trong những di sản nổi tiếng của Tây Nguyên là không gian văn hóa cồng chiêng, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Nhưng hiện nay, di sản văn hóa này đang phải đối diện với nguy cơ bị mai một bởi sự suy giảm nhanh chóng về số lượng các dàn cồng chiêng, các bản nhạc chiêng, các nghệ nhân…

Trước nguy cơ bị mai một của những nét văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở thành lập và phát triển các đội chiêng trẻ, đội múa, sử dụng nhạc cụ tre, nứa của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk. Các huyện, thành phố trong tỉnh đã mở được các lớp dạy đánh cồng chiêng, hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho con em bà con dân tộc Ê Đê, M’nông và Giarai...

Trong 10 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 150 lớp đào tạo dạy đánh cồng chiêng, hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho hơn 4.500 lượt thiếu nhi, đoàn viên, thanh niên tham gia. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk còn tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm, tổ chức làng nghề, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ trong những ngày nông nhàn, đồng thời tổ chức những cuộc thi dệt thổ cẩm dân tộc, thu hút nhiều nghệ nhân tham gia.

Nhận thức được vị trí và vai trò của đoàn viên, thanh niên trí thức trẻ trong các đơn vị nghiên cứu khoa học, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức nhiều đội hình trí thức trẻ tình nguyện, tập trung vào chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cho nhân dân; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; định hướng cho nông dân các loại cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao; triển khai các chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ do thanh niên nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.

Giai đoạn 2010 - 2019, các cấp bộ Đoàn trong Khối đã tổ chức 1.430 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút 215.320 lượt nhân dân, đoàn viên, thanh niên tham gia với tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng.

Nhiều hoạt động tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong chuyển giao khoa học kỹ thuật có thể kể đến như: Nghiên cứu các giải pháp an toàn trong phòng trừ sâu bệnh cho cây nho Ninh Thuận; Mô hình phủ xanh vùng núi đá vôi; nghiên cứu khả năng xây dựng hồ treo, vấn đề quy hoạch giao thông tại các thôn bản; cách nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn mùa đông và phòng bệnh cho gia súc bằng chế phẩm sinh học, thu thập mẫu phục vụ cho việc nghiên cứu hoạt chất sinh học từ cây bản địa…

Những hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất do Đoàn Khối triển khai đã góp phần giúp nhân dân ở nhiều địa bàn nông thôn phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, củng cố quốc phòng, nâng cao nhận thức về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống đối với người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tuyên truyền, động viên nhân dân thay đổi phong tục, tập quán trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương mong muốn đóng góp một phần công sức vào việc thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Bài: Trần Văn Thường - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV