Ông Lê Đăng Trưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Kạn, cho biết giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,76% xuống dưới 1,83%, bình quân mỗi năm giảm 0,19%. Đến cuối năm 2023, địa phương này giảm được 118 hộ nghèo đến cuối năm 2023, thành phố Bắc Kạn còn 241 hộ nghèo (chiếm 1,96%), vượt 32 hộ nghèo so với kế hoạch. TP Bắc Kạn phấn đấu cuối năm 2024 giảm được 13 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo về còn 228 hộ, tương đương 1,86%.

Năm 2024, thành phố được bố trí hơn 1,3 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. 3 năm qua, thành phố cũng linh hoạt huy động được hơn 1,5 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo.  

W-giam ngheo mien nui dan toc.jpg
Thành phố Bắc Kạn chỉ còn 241 hộ nghèo (chiếm 1,96%). Người dân được quan tâm, chăm lo đa chiều dịch vụ xã hội cơ bản.

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh, thành phố quyết tâm chăm lo cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo hướng đa chiều, bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo.

Năm 2024, để chăm lo cho chiều thiếu hụt việc làm, thành phố đặt mục tiêu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Tối thiểu 50 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Thực tế, thành phố đã hỗ trợ cho 129 lao động được kết nối có việc làm thành công. Số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2021 đến nay là 85 người. Số lao động được hỗ trợ tạo việc làm hàng năm trên 500 lao động.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, địa phương phối hợp tổ chức đào tạo 15 lớp nghề, với 525 người, trong đó có 30 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,6%.

Ông Lê Đăng Trưởng cho biết từ năm 2021 đến nay, thành phố đã phê duyệt 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đến năm 2024, dự án phát triển sản xuất trồng cây quế tại xã Nông Thượng với 18 hộ tham gia đang trong quá trình chăm sóc cây. Ngoài ra, dự án phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi gà lai Hồ tại phường Huyền Tụng đang tiếp tục quay vòng thực hiện chu kỳ 2.

Tổng số có 15 hộ (gồm 6 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 2 hộ mới thoát nghèo, 1 hộ dân tộc thiểu số) tham gia mô hình này. Đến đầu năm nay, dự án đã đã giải ngân gần 229 triệu đồng.

Gà lai Hồ là giống gà bản địa đã được nuôi từ rất lâu, có nguồn gene quý, sức đề kháng tốt, dễ thích ứng, giá trị kinh tế cao. Việc triển khai thành công mô hình chăn nuôi gà bản địa từng bước thay đổi tư duy người dân nghèo trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Mô hình cũng đảm bảo tính lâu dài và bền vững, vừa tăng thêm thu nhập vừa mở ra nghề mới, tạo thêm việc làm cho người lao động nghèo.

Gia đình bà Lường Thị Nan, tổ Nà Pài, phường Huyền Tụng, là một trong 15 hộ được hỗ trợ tham gia dự án nuôi gà lai Hồ. Gia đình nghèo này nhận nuôi 200 con gà, hơn 334 kg cám. Sau khi nuôi 3 - 4 tháng, gà được bán, trọng lượng trung bình từ 2-2,5kg. Trừ hết chi phí, gia đình bà lãi được 16 triệu đồng.

Quan tâm chiều thiếu hụt về giáo dục, thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã miễn giảm học phí cho hơn 1.100 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 263 triệu đồng. Hằng năm đảm bảo có 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

Xác định chính sách hỗ trợ về y tế rất quan trọng, giúp người nghèo được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã cấp 5.281 lượt thẻ BHYT, trong đó: hơn 1.500 lượt thẻ BHYT cho người nghèo; gần 800 lượt thẻ BHYT cho người cận nghèo.

Quan tâm chiều thiếu hụt về nhà ở, thành phố Bắc Kạn thể hiện sự linh hoạt khi vận dụng các nguồn lực. Tổng cộng có 51 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa để có điều kiện sống trong ngôi nhà kiên cố, khang trang. Tới năm 2024, thành phố còn 127 hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở và diện tích bình quân đầu người.

Về chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, hiện 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu ít nhất 63,5% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh nhưng đến nay, chỉ số này đã đạt gần 65%.

Dù thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều đạt được nhiều kết quả quan trọng, song lãnh đạo UBND thành phố Bắc Kạn cũng thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai. Trong đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn thành phố ít, chủ yếu là đối tượng bảo trợ, quá tuổi lao động, không có điều kiện vật chất như đất đai, nguồn lực tập trung để cùng tham gia các dự án, mô hình phát triển sản xuất.

Do đó, địa phương này kiến nghị cấp trên cần có những chính sách giảm nghèo riêng cho hộ nghèo bảo trợ xã hội, hộ không có khả năng thoát nghèo để giúp họ duy trì ổn định cuộc sống.