Nhằm thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ trong việc vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, ngành du lịch và doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai song song giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp phù hợp với biến động thị trường và kích cầu du lịch với sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ trong việc vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trên thực tế, công nghệ đã giúp nhiều doanh nghiệp tinh gọn bộ máy vận hành, giảm chi phí và đa dạng kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Đồng thời, doanh nghiệp từng bước cải thiện mô hình kinh doanh và phương thức quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và thị hiếu du khách.
Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm này, doanh nghiệp du lịch đã tái khởi động thị trường, mở lại những tuyến tour du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và phục vụ thị trường du lịch nội địa.
Tuy nhiên, nếu trước đây doanh nghiệp du lịch sẽ khẩn trương mở lại những điểm giao dịch, kinh doanh ở các tuyến phố sầm uất, quen thuộc với người dân, thì hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành lại tập trung phát triển kênh bán hàng trực tuyến (online) và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng giao dịch trực tuyến.
Trong đó, đơn vị kinh doanh lữ hành có quy mô nhỏ và vừa cho rằng, kênh bán hàng online và giao dịch trực tuyến sẽ là chiến lược vận hành doanh nghiệp trong dài hạn của họ, chứ không riêng gì ở giai đoạn đại dịch COVID-19. Bởi bán hàng online không chỉ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai, mà đối với ngành du lịch đây là một kênh kinh doanh hiệu quả và giúp tiếp cận khách hàng xuyên biên giới nhanh chóng hơn.
Thông qua kênh thương mại điện tử, website của doanh nghiệp, mạng xã hội... du khách dễ dàng tiếp cận điểm đến và tham khảo lộ trình tour tuyến du lịch qua những hình ảnh, chia sẻ từ nhiều du khách đã trải nghiệm sẽ góp phần chọn lựa được những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với bản thân và gia đình hơn.
Đây là "điểm cộng" mà dịch COVID-19 được xem là chất xúc tác tạo động lực cho ngành du lịch Việt Nam đổi mới sáng tạo, nhất là trong khâu bán hàng và xây dựng thị trường khách hàng tiềm năng.
Khác với trước đây, kênh thương mại điện tử, website của doanh nghiệp, mạng xã hội... chỉ là hoạt động kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, có phần yếu thế về tài chính đầu tư mặt bằng, nguồn nhân lực... thì hiện nay những kênh này cũng đón nhận sự tham gia đầu tư bài bản của các doanh nghiệp đầu ngành.
Nhiều hãng du lịch tàu biển đang chuyển hướng giao dịch lên không gian trực tuyến, tận dụng tiện ích của các ứng dụng phần mềm. Do đó, ngành du lịch và doanh nghiệp lữ hành nên chủ động xây dựng hệ thống vận hành thực hiện qua ứng dụng công nghệ (app), áp dụng cho cả khu vực lưu trú và trên tàu biển như các yêu cầu về dọn dẹp vệ sinh, dịch vụ ẩm thực, thanh toán... Tất cả đều được tiến hành trực tuyến.
Tuyết Nhung, Vân Anh, Hoàng Giang