Người Việt Nam vốn không xa lạ với những không gian xanh. Làng Việt xa xưa với lũy tre, cây đa, giếng nước, sân đình… không chỉ ẩn chứa triết lý sống hòa hợp cùng thiên nhiên mà còn là biểu hiện tập trung nhất phong cách tổ chức không gian sống của người Việt.

W-congvien.png
Công viên Thống nhất (Hà Nội) nhìn từ trên cao

Thăng Long - Hà Nội như một nhà nghiên cứu nhận định, là ngôi làng lớn của rất nhiều làng nhỏ. Và một thời, Hà Nội cũng được mệnh danh thành phố của những vườn cây.

Thế nhưng giờ đây, khái niệm về thành phố xanh, thành phố vườn dường như vẫn rất mới.

Theo KTS Đoàn Ngọc Hiệp, thành phố vườn - Mô hình tiền đề cho lý luận đô thị vệ tinh Khái niệm đầu tiên của lý luận “Thành phố vườn” do chuyên gia Anh Abenezer Howard 1850-1928 trình bày năm 1898.

Ebenezer Howard đã phân tích thành phố có một lực hút lớn kiểu nam châm, mà ở đó mỗi người dân là một cái kim. Howard coi thành phố là thanh nam châm thứ nhất, nông thôn là nam châm thứ hai, còn sáng tạo các “Thành phố vườn” của ông là thanh nam chậm thứ ba nhằm bảo đảm việc san sẻ bớt dân số đô thị đông đúc ở các thành phố lớn.

Theo Howard thì thành phố tuy có thể  có tiện nghi tốt và hoạt động văn hoá phong phú nhưng nông thôn lại có ưu thế về đời sống lành mạnh và yên tĩnh. Vì vậy, chỉ có thành phố vườn của ông mới có cả ưu điểm của đô thị lớn lẫn lợi thế của nông thôn, và thành phố vườn ra đời sẽ là đối tượng dung hoà được những mâu thuẫn giữa đô thị và nông thôn, bảo đảm cho con người sống một cuộc sống hài hoà.

Theo Howard, bằng việc khống chế từ tính đối với các đô thị lớn mới triệt để bỏ được sự bành trướng vô tổ chức, mù quáng của đô thị, và cũng chỉ bằng việc tạo một cơ cấu thống nhất toàn bộ đất đai của đô thị mới loại bỏ được nạn đầu cơ.

Quan niệm của Howard được xem là chìa khoá để mở cửa cho sự khủng hoảng của đô thi tư bản-khi mà con người nhận thức ra được mặt trái của sự phát triển quá mức cuả thành phố công nghiệp thời bấy giờ giữa thế kỷ XIX - XX. Giới kiến trúc nhiệt liệt chào đón ý niệm “thành phố vườn” như một giải pháp lý tưởng giúp họ tìm lối đi cho hoạt động xây dựng đô thị lúc ấy đang bế tắc về phương hướng. Ảnh hưởng của nó khá sâu và được phát triển thêm về lý luận cũng như được ứng dụng vào thực tiễn xây dựng ở nhiều nước.

Theo Howard thì các thành phố này có dạng hình tròn, hướng tâm. Mỗi thành phố vườn đáp ứng khoảng 32.000dân với diện tích khoảng 400ha, còn vòng ngoài 2000ha nữa là khu cây xanh “vĩnh cửu”, là đất dùng vào mục đích nông nghiệp, tổng cộng mỗi vùng đô thị sẽ chiếm 2400ha.Khi phát triển vừa tới quy mô nói trên thì thôi không tăng dân số nữa, nếu cần thì xây dựng thêm đô thị khác. Với mỗi 400ha đất “nội thị” đó có một loạt các vòng tròn đồng tâm và được chia đều ra các phần bằng nhau bằng 6 con đường lớn, rộng 36m xuyên qua thành phố xuất phát từ trung tâm, chia thành phố thành sáu phần đều nhau, đó là các khu ở. Ở chính tâm, một không gian vòng tròn khoảng 2,2ha được dành làm một vườn hoa đẹp. Các công trình công cộng lớn được đặt quanh vườn hoa này như toà thị chính, nhà hoà nhạc và hội họp, nhà hát, thư viện, bảo tàng, nhà triển lãm hội hoạ và bệnh viện... Một tuyến xe lửa sẽ được chạy vòng quanh phía ngoài để chở hàng đến các nhà máy, tránh được hiện tượng các xe tải chạy xuyên qua thành phố. Vành ngoài của thành phố vườn được đặt nhà máy, xí nghiệp...

Có lẽ Howard đã bị ảnh hưởng ý đồ của tiền bối Charles Fourier khi bố trí các đường đi dạo có mái và khi tổ chức các bếp ăn tập thể, nhưng đã có những khái niệm hoàn toàn mới mẻ  trong việc tổ chức các trường học xanh, dùng trường học vào các mục đích công cộng khác nữa và đã tổ chức hợp nhất phân vùng công năng đô thị tốt. Mỗi thành phố nhỏ là một “cộng đồng xã hôi chủ nghĩa”, một tập hợp 6 thành phố đó cộng với thành phố mẹ ở giữa tạo thành một thành phố khoảng 250.000ha dân gọi là hệ thống đô thị vườn.

Tạ Ngọc Huy Linh, Phan Chí Hiếu, Nguyễn Hoàng Hà