Những đặc trưng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam thể hiện qua các mặt bằng tổng thể, bố cục và bài trí tượng pháp, phong cách nghệ thuật điêu khắc, trang trí vật liệu, kỹ thuật tạo tác được khởi nguồn từ những quan niệm nhân sinh và thế giới quan Việt Nam.
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tùy từng vùng, miền, hệ phái, điều kiện vật chất, môi trường tự nhiên và đối tượng, cách thức thờ phụng khác nhau tạo nên bố cục mặt bằng tổng thể, công năng sử dụng, kết cấu kiến trúc, nghệ thuật trang trí… cũng rất phong phú, đa dạng và chứa đựng nét đẹp độc đáo.
Tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN), Viện Bảo tồn di tích, và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức mới đây, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN nhận định kiến trúc Phật giáo là một thành tố, một phương diện rất quan trọng của Phật giáo, phản ánh giáo lý, giáo luật Phật giáo, tư tưởng, tinh thần Phật giáo, triết lý và văn hóa Phật giáo.
Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, hiện nay cả nước có khoảng 18.000 ngôi chùa của các hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, Nam tông Kinh, Hoa tông. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, sự phong phú, đa dạng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần có sự đánh giá một cách toàn diện, khách quan để đề xuất những giải pháp, định hướng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc Phật giáo trong giai đoạn tới.
Theo thống kê, chỉ trong khoảng 23 năm qua, từ năm 2000 đến nay, có rất nhiều ngôi chùa được trùng tu, xây dựng rộng khắp cả nước.
Tuy nhiên, rất nhiều ngôi chùa thiếu quy hoạch kiến trúc tổng thể dẫn đến không hài hòa trong không gian sinh hoạt, hệ sinh thái kiến trúc chung. Do thiếu sự đồng bộ trong xây dựng kiến trúc, dẫn đến sự pha tạp nhiều kiểu dáng, nhiều trường phái kiến trúc, nhiều mẫu hoa văn họa tiết không tương thích trong một công trình. Có nơi sao chép mẫu kiến trúc nước ngoài một phần, có nơi sao chép phân nửa và thậm chí toàn phần.
Đề xuất những giải pháp bảo tồn, phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Lệ Trí cho rằng cần tổ chức khảo sát đánh giá kịp thời và đưa ra giải pháp để hỗ trợ thực tiễn cho công việc bảo tồn và phục hồi kiến trúc cổ, di sản. Từ đó, lập đề án thiết kế bản vẽ, mô hình mẫu (quy chuẩn) để làm định hướng cụ thể cho công tác bảo tồn, phục hồi và xây mới hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư cũng cho rằng, cần phải thống nhất về quy chuẩn kiến trúc cho các công trình Phật giáo.
“Thống nhất ở đây, không phải tất cả các hệ phái, tông phái phải xây dựng chùa theo một mẫu kiến trúc như nhau, mà phải có mẫu riêng cho kiến trúc chùa của từng hệ phái, tông phái, đảm bảo sự đa dạng của kiến trúc Phật giáo tông phái và vùng miền. Nhưng phải tìm ra những thông số, quy chuẩn chung nhất ở tất cả các ngôi chùa để tạo quy chuẩn thống nhất. Đó chính là thể hiện của tinh thần: Thống nhất trong đa dạng”, Thượng tọa Thích Minh Hiền nói.