Trong nhiều năm nay, mỗi khi phê phán ngành giáo dục, hầu như ai cũng dùng cụm từ ‘bệnh thành tích’ để nói về những hạn chế hay yếu kém của ngành giáo dục. Vậy

Trong bài viết này, tôi xin khẳng định rằng ‘thành tích’ tự bản thân nó là cái đáng được khuyến khích và ca ngợi chứ không phải bị báng bổ như cách nói lâu nay.

Vậy ‘thành tích’ là gì?

Theo nghĩa Hán-Việt thì ‘thành’ có nghĩa ‘trọn vẹn’, ‘xong’, ‘dựng nên’ còn ‘tích’ có nghĩa là ‘công sức’, ‘công lao’.

Trong Từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý làm chủ biên (1) thì từ ‘thành tích’ có nghĩa ‘kết quả tốt đẹp do cố gắng mà đạt được’ (tr. 1531). Cũng trong trang này có mục từ ‘thành tích bất hảo’ nghĩa là ‘Hành động xấu, để lại tiếng xấu trong tập thể, trong dân chúng".

Như vậy, "thành tích" tự nó mang nghĩa tích cực có vai trò làm động lực thúc đẩy cá nhân hay tập thể vươn lên không ngừng đề đạt được những kết quả mong muốn.

Nói cách khác, "thành tích" không thể coi là một loại bệnh mà nếu coi là bệnh thì chỉ có "bệnh thành tích bất hảo".  

Tôi cho rằng việc lên án thành tích là không đúng. Cuộc sống sẽ vô nghĩa khi con người không còn khát khao chinh phục thành tích. Không có thành tích, nền văn minh của loài người cũng không phát triển được. Có lẽ, không khó khăn gì để thấy những khẩu hiệu băng rôn ghi “Thi đua lập thành tích chào mừng ngày ….” ở mọi miền của đất nước,v.v... Trong các báo cáo tổng kết của các ngành đều có mục "thành tích nổi bật".

Nói cách khác, mọi tổ chức trong đó có các cơ sở giáo dục phải khuyến khích và tạo mọi điều kiện để từng cá nhân phấn đấu không ngừng đạt được những thành tích ngày càng cao hơn, đóng góp nhiều hơn hơn cho sự phát triển của xã hội và cho chính mình.

Vấn đề quan trọng ở chỗ đánh giá thành tích như thế nào. Cái mà xã hội mà ngành giáo dục cần lên án là "thành tích bất hảo" và để ngăn chặn "thành tích bất hảo" hay "thành tích ảo" là thay đổi một cách triệt để thước đo thành tích.

Không khó để nhận ra một thực tế buồn là nền giáo dục của Việt Nam từ khi đất nước đi vào kinh tế thị trường năm 1986 đến nay đã có lúc lấy các giá trị "ảo" làm mục tiêu, thể hiện ở cuộc đua bằng mọi giá về điểm số và bằng cấp.

Công bằng mà nói, điểm số tự thân nó không tốt cũng không xấu và nền giáo dục nào cũng phải sử dụng điểm số là thước đo tương đối kết quả học tập của người học. Nhưng một khi trở thành mục tiêu của giáo dục thì điểm số trở nên tai hại vì hoạt động dạy và học chỉ hướng về điểm số chứ không phải tri thức mới.

Tôi không hiểu sao chúng ta cứ kéo dài mãi một sai lầm là đánh giá năng lực của người học qua điểm số của một vài bài thi trắc nghiệm hay các bài thi kiếm tra kiến thức học thuộc lòng.

Nguy hiểm hơn, khi điểm số, bằng cấp, học hàm, học vị trở thành mục đích duy nhất của giáo dục, trở thành cái để đem ra khoe với người khác như một niềm tự hào của cá nhân và gia đình, dòng họ, thì người ta sẵn sàng tranh giành điểm số cao, học hàm, học vị bằng mọi cách, kể cả những cách phản giáo dục nhất như "mua điểm", "mua hoặc chạy học hàm, học vị".

Đó là một nền giáo dục hướng người học và cả phụ huynh vào những động lực bậc thấp của hoạt động học được hình thành và nuôi dưỡng bằng những dục vọng bậc thấp của con người. Dục vọng đó được gọi là mặt trái của ‘thị dục huyễn ngã’, nó “lấn át những phẩm cách tốt đẹp chân chính, đồng thời xui khiến người ta chỉ chạy theo đối phó với thi cử, mà xem nhẹ thực học. Một nền giáo dục như vậy tuyệt đối không thể là môi trường tốt để bồi đắp lương tâm” (2).

Bên ngoài xã hội, dục vọng thấp đó lại được nuôi dưỡng bằng việc đề cao các danh hiệu ‘thủ khoa’,  ‘trải thảm đỏ’ cho những người được gắn cho các danh hiệu này này mà không biết họ có những năng lực thực như thế nào, đóng góp được gì cho xã hội, cho tri thức nhân loại.

Tóm lại, thành tích cần được khuyến khích trong tất cả các ngành, kể cả ngành giáo dục. Vấn đề là với giáo dục, thành tích không thể được cân đo chỉ bằng điểm số hay bằng cấp, học hàm, học vị.

Vậy một mặt chúng ta lên án và đồng tình với việc xử lý nghiêm minh những ‘thành tích bất hảo’ như mua điểm, mua bằng cấp, học hàm, học vị, coi thường liêm sỉ, bán rẻ nhân phẩm cho đồng tiền; mặt khác cần có những thay đổi quyết định về việc đánh giá con người.

Một khi chính sách giáo dục khuyến khích cá nhân phát huy hết những tiềm năng của mình và xã hội đề cao năng lực thực của từng cá nhân, chứ không phải ‘áo mũ’ của họ thì lúc đó chất lượng giáo dục sẽ tự động được nâng lên, giá trị của của học hành, bằng cấp sẽ được tôn trọng.

Khi đó, mặt tích cực của ‘thị dục huyễn ngã’ trong mỗi cá nhân người dạy cũng như người học sẽ được nuôi dưỡng và khuyến khích để phát huy hết tiềm năng thực trong mỗi cá nhân và đưa họ lên những đỉnh cao mới của thành tích theo nghĩa ‘kết quả tốt đẹp do cố gắng mà đạt được.’

Lê Văn Canh (Đại học Quốc gia Hà Nội)

*********

Tài liệu trích dẫn

1. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999). Đại từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin.

2. Dương Quốc Việt (2018). Giáo dục lương tâm. Tia Sáng ngày 19/11/2018. http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Giao-duc-luong-tam-13990 (1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.472.