Gia tăng mức tăng trưởng của nông - lâm - thủy sản
Với vị trí địa lý có 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển, nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, tỉnh Thái Bình là một vùng đất phì nhiêu, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Giai đoạn vừa qua, tỉnh Thái Bình tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò, sứ mệnh là trụ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Theo Bí thư tỉnh uỷ Ngô Đông Hải, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tiềm năng và cơ hội để cơ cấu lại các ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với thị trường vẫn khá rõ rệt, đồng thời, đây là xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình. Chuyển đổi hiệu quả theo các xu hướng này, cơ hội gia tăng mức tăng trưởng của nông - lâm - thủy sản là rất lớn. Cụ thể:
Một là, chuyển sang sản xuất hàng hóa buộc ngành nông nghiệp phải đi vào khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nuôi trồng các cây, con đặc sản với năng suất, chất lượng cao, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có giá thành thấp (nhất là nếu tận dụng được các điều kiện thuận lợi về thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng, kinh nghiệm, cộng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thì cây trồng, vật nuôi sẽ phát triển tốt nhất với năng suất, chất lượng cao, chi phí thấp). Sức cạnh tranh của các sản phẩm đặc sản sẽ rất cao.
Hai là, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nông sản sẽ đi từ dinh dưỡng (phục vụ đại đa số cư dân - mức độ chấp nhận giá cả bình dân), đến dược liệu và nhân văn (phục vụ đối tượng tiêu dùng có mức thu nhập cao hơn, chấp nhận trả giá cao hơn, nhu cầu chuyên biệt hơn, ví dụ như sạch hơn, an toàn hơn, đẹp hơn, lạ hơn...). Mức độ chênh lệch giá trị sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu này so với nhu cầu thông thường rất cao. Xu hướng này tạo nên những tiềm năng, cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp những năm tới.
Ba là, kinh tế thị trường đang mở ra cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp tạo ra các giá trị mới, vượt trội, dù không đo đếm được bằng các tiêu chí thông thường, nhưng lại được xã hội và thị trường thừa nhận, như các giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ, giá trị môi trường, giá trị truyền thống, giá trị xã hội... Đây là một trong những xu hướng phát triển theo hướng gia tăng giá trị ngành nông – lâm - thủy sản trong tương lai.
Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, công nghệ
Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh đến năm 2030 là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, công nghệ để có năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa.
Giai đoạn vừa qua, tỉnh Thái Bình tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của tỉnh. Cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển dần theo hướng tích cực, hiệu quả, hợp lý. Tỷ trọng của lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi tăng khá nhanh, trong khi đó tỷ trọng trồng trọt giảm dần.
Tỉnh đạt được nhiều biến chuyển tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Năm 2021, tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh tăng 6,68%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành trong cả nước. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Thái Bình chủ trương phát triển các mô hình tập trung đất đai, sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, thu hút danh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, tỉnh có 22 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả trong sản xuất và chế biến nông nghiệp. Kết quả thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt được nhiều tiến bộ, khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 80%, khâu gieo cấy đạt 11,5%,… Ngành nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt thành tích cao, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.
Nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thái Bình cố gắng làm tốt công tác quy hoạch, xác định rõ những sản phẩm, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, phát triển các mô hình sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Cùng với việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, tỉnh còn chú trọng đến việc phát huy hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp. Những vấn đề về liên kết giữa xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn, tạo sự liên kết, liên thông giữa nông thôn - đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa… cũng được các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra thảo luận, đồng thời tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thái Bình.
Hiện nay, Thái Bình đang cố gắng tìm cách thu hút đầu tư, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc xung quanh việc cho thuê, tích tụ ruộng đất, chính sách tín dụng, lao động sản xuất nông nghiệp… Kinh nghiệm thực tiễn ở tỉnh Thái Bình cho thấy, kết quả, thành tích đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp đều dựa trên sức mạnh, tinh thần đoàn kết của nhân dân và cả hệ thống chính trị.