Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ phổ cập dịch vụ ngân hàng – tài chính. 

Trong xã hội hiện đại, việc sử dụng hình thức thanh toán “không tiền mặt” đem lại rất nhiều lợi ích. Có thể kể đến những ưu thế đặc biệt như giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, lãnh thổ với mọi đối tượng người dân; thúc đẩy sản xuất, dịch vụ; cải thiện hiệu quả hoạt động mảng phi tín dụng của ngân hàng…

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu Đề án hướng đến là tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế…

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần minh bạch hóa các hoạt động thanh toán 

Tiếp đó, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch khách hàng… Mới đây, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg nhằm thúc đẩy phát triển TTKDTM, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu của Quyết định số 2545/QĐ-TTg, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Sau gần 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg, hoạt động TTKDTM tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng. Hiện nay, ở Việt Nam có 9 hệ thống TTKDTM chính gồm: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS); hệ thống thanh toán bù trừ; hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại (NHTM); các hệ thống thanh toán song phương; hệ thống thanh toán ngoại tệ VCB – Money; hệ thống thanh toán chứng khoán do BIDV quản lý, vận hành; hệ thống thanh toán thẻ; hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động và hệ thống SWIFT.

Trong đó, hệ thống IBPS là trục thanh toán quốc gia, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chu chuyển vốn của nền kinh tế và là tiền đề quan trọng cho việc phát triển và đẩy mạnh TTKDTM. Đối với hệ thống SWIFT Việt Nam (ra đời từ năm 1996), đến nay, hầu hết các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam đã sử dụng dịch vụ chuyển tiền điện tử của SWIFT để chuyển ngoại tệ và các giao dịch thanh toán quốc tế. Trong khi đó, các hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống thanh toán song phương, hệ thống thanh toán thẻ, hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động được các NHTM tiếp tục được quan tâm, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cung ứng các dịch vụ phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng trên toàn quốc.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ với khả năng thanh toán theo thời gian thực, xử lý giao dịch đa kênh, đa phương tiện đang được thử nghiệm để đưa vào vận hành chính thức phục vụ nhu cầu chuyển tiền, giao dịch thanh toán bán lẻ, thanh toán các dịch vụ tiện ích.

Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

NHNN cấp phép hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính… Hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng. Tính đến cuối năm 2019, trên toàn quốc có khoảng 18.900 ATM và 282.900 máy POS, tăng tương ứng 17,3%; 44,5% so với cùng kỳ năm 2018).

Các phương thức TTKDTM không ngừng tăng mạnh. Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng dịch vụ ngân hàng di động (Mobile Banking) thời gian qua là 200%. Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Trong năm 2019, giá trị giao dịch bình quân qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đạt gần 375 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 17 tỷ USD/ngày); giá trị giao dịch qua POS đạt 491 nghìn tỷ đồng; qua điện thoại di động đạt 4,264 nghìn tỷ đồng; qua Internet đạt 17.729 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 66,3%; 221,2% và 36,6% so với cùng kỳ năm 2018).

Hiện nay, các nhà mạng viễn thông cũng tham gia tích cực vào quá trình thanh toán không dùng tiền mặt thông qua nhiều hình thức, trong đó nổi bật là dịch vụ Mobile Money. Dịch vụ mới này cho phép, người dân được gửi tiền vào nhà mạng cho dù không có tài khoản tại NHTM, hoặc có thể dùng tiền trong tài khoản điện thoại của mình để gửi cho nhau, mua hàng hóa với giá trị nhỏ. Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) đã được NHNN cấp phép cung cấp dịch vụ ví và dịch vụ chuyển tiền, thu hộ/chi hộ…

NHNN cho biết, theo kế hoạch, hàng loạt nghị định, thông tư liên quan đến hành lang pháp lý thử nghiệm các phương tiện thanh toán mới sẽ được ban hành trước tháng 12/2020, bao gồm: Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Đề án đẩy mạnh TTKDTM giai đoạn 2021-2025; sửa đổi, bổ sung các thông tư về TTKDTM, về dịch vụ trung gian thanh toán; đề xuất Thủ tướng ban hành quyết dịnh thí điểm Mobile Money…

Riêng thông tư về áp dụng xác thực điện tử (eKYC) sẽ ban hành trước tháng 9/2020. Hiện tại, nghị định mới về TTKDTM (trong đó có quy định về Mobile Money) đang được NHNN hoàn thiện. Cơ quan này cũng đang xây dựng Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox), xây dựng cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) tại Việt Nam…

Lê Thị Thanh
Thu Hằng, Hữu Duyên, Minh Hưng