Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và phát triển không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 20 đến 25%/năm. 

Tại tỉnh Phú Thọ, với nhiều giải pháp đồng bộ, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn đã có những chuyển biến tích cực. Đây cũng được xem là bước đột phá, góp phần xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới thông minh ở các làng quê trong tỉnh. 

Thanh toán "một chạm"

Phú Thọ xác định đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Mã QR code tại Bộ phận Một cửa của huyện Thanh Ba. 

Huyện Thanh Ba từng là địa phương khó khăn của tỉnh. Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng quê nghèo khó một thời đã thay đổi tích cực. Công tác chuyển đổi số hướng đến tiêu chí xây dựng mỗi xã có một thôn nông thôn mới thông minh được huyện đẩy mạnh nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đặc biệt là áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

Hiện nay, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện Thanh Ba đã triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo hình thức quét mã QR code để phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến lĩnh vực đất đai. 

Để đạt được kết quả này, huyện đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để cập nhật các số tài khoản, đồng thời làm việc với bưu điện huyện, cử cán bộ huyện vào làm việc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa tiếp nhận, hỗ trợ thông tin khi người dân thanh toán không dùng tiền mặt. 

Thời gian qua, các đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn huyện Thanh Ba đã chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bộ dữ liệu kết nối, đảm bảo an toàn thuận tiện trong thanh toán không dùng tiền mặt. Hoạt động truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm hướng dẫn người dân tiếp cận và tham gia sử dụng các dịch vụ trung gian để thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến hơn ở khi vực nông thôn.

Ông Nguyễn Tuấn Vinh (65 tuổi) mới làm quen với phương thức thanh toán quét mã QR. Mặc dù thao tác còn lúng túng nhưng được sự hỗ trợ của cán bộ Bộ phận Một cửa, ông cũng hoàn tất việc thanh toán.

“Hiện nay chúng tôi được địa phương tuyên truyền sử dụng thanh toán quét mã QR tại các điểm bán hàng, thanh toán tiền điện, tiền nước… Ví dụ thanh toán tiền điện, tôi không cần phải đến tận nơi mà chỉ cần ở nhà, mở app là thanh toán thuận tiện”, ông chia sẻ.  

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (Tân Sơn) chuyên bán hàng gia dụng, dụng cụ y tế và thực phẩm. Với nhiều chủng loại hàng hóa, khách đông nên chị rất quan tâm đến dịch vụ Mobile banking và quét mã QR code. 

Nhiều nơi ở huyện Tân Sơn đã áp dụng phương thức thanh toán điện tử. 

Chị bày tỏ: “Không cần trao đổi tiền mặt trực tiếp như phương thức truyền thống, hiện nay, chỉ cần "một chạm" là tôi có thể nhận và thanh toán tiền dễ dàng. Phương thức thanh toán này rất có ích, không lo bị nhầm lẫn, thất thoát”.

Tân Sơn là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi dùng tiền mặt của người dân. Trong đó tuyên truyền là yếu tố quan trọng để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này rồi tự đưa ra quyết định phù hợp. Quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn.

Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn thuộc xã Xuân Sơn (Tân Sơn) đang được quan tâm, đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch cộng đồng. Thời gian gần đây, một số homestay đã áp dụng phương thức thanh toán qua chuyển khoản. 

Chị Quỳnh Nga, chủ homestay Quỳnh Nga chia sẻ: “Các đoàn khách đến với bản Dù và ăn nghỉ tại cơ sở chúng tôi chiếm phần nhiều là người dưới xuôi, đã rất quen với phương thức thanh toán này. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho du khách, tôi triển khai phương thức thanh toán điện tử. Với người dân trong bản, phương thức này có thể còn lạ lẫm nhưng tôi nghĩ trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, Internet đã về đến bản, cùng với sự tuyên truyền vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân sẽ hưởng ứng”. 

Nỗ lực đẩy mạnh Mobile money

Nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp khó khăn khi truy cập Internet. Chính vì vậy, người dân ở những vùng này thường khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Do đó, dịch vụ thanh toán không cần Internet mang tên Mobile money đã ra đời để đáp ứng nhu cầu này của họ. Người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thường, không cần sóng Internert vẫn có thể thanh toán được tiền. 

Dịch vụ Mobile money được chấp thuận cấp phép thí điểm cho một số nhà mạng triển khai từ tháng 11/2021. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển các loại hình thanh toán không tiền mặt, cung cấp các dịch vụ mới tới người dân trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số, công dân số. 

Sau hơn 1 năm triển khai, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đều nhập cuộc khá nhanh và đã có những kết quả nhất định trong việc mở rộng thị trường, đưa hình thức thanh toán mới mẻ này tiếp cận với người dân.

Xác định hệ sinh thái tài chính số VNPT Money (tiền thân là VNPT Pay) là dịch vụ trọng điểm trong lĩnh vực tài chính số và cũng là 1 trong 4 trụ cột phát triển của VNPT Phú Thọ trong lộ trình phát triển đến năm 2025, thời gian qua, VNPT Phú Thọ đã xây dựng nhiều chiến dịch, hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy nhận diện thương hiệu VNPT Money.

Trong năm 2022, VNPT Phú Thọ đã liên kết với 40 ngân hàng và hoàn thành liên thông chuyển tiền qua lại cho 39.780 khách hàng trên địa bàn tỉnh có tài khoản VNPT Money. Với tính năng chuyển, nhận tiền thông qua mã VietQR giữa Mobile money và các ứng dụng Mobile banking cũng giúp người dùng VNPT Money dễ dàng thanh toán “không chạm” một cách nhanh chóng. Hiện tại, người dùng VNPT Money trên địa bàn tỉnh đã giao dịch được với hầu hết các loại QR thanh toán thông dụng nhất trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, VNPT Phú Thọ triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến qua VNPT Money tới các khách hàng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; Bộ phận Một cửa điện tử của 18 sở, ban, ngành; 13 huyện, thành, thị và 225 xã, phường, thị trấn.

Hiện VNPT Phú Thọ đã phát triển được 2.500 điểm chấp nhận thanh toán VNPT Money; 7.774 tài khoản phát sinh giao dịch; số lượt phát sinh giao dịch qua VNPT Money đạt gần 80.000 lượt. Lũy kế doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng.

Việc triển khai dịch vụ Mobile money trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Với ứng dụng Mobile money, người dùng có thể thanh toán, chuyển tiền, nạp, rút tiền đơn giản, thuận lợi, mọi lúc, mọi nơi mà không cần tài khoản ngân hàng, điện thoại thông minh kết nối internet. Nguồn tiền Mobile money phù hợp với những giao dịch hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, thuận lợi cho các nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày. 

Bên cạnh đó, khách hàng còn có thêm nhiều lựa chọn, ưu đãi với nhiều dịch vụ thanh toán số từ học phí, viện phí, bảo hiểm, tiền điện, nước... và thường xuyên có mức chiết khấu cao vượt trội so với các hình thức thanh toán thông thường khác. Chính vì vậy, dịch vụ Mobile money đã bước đầu được người dân quan tâm và tiếp nhận.

Chị Hồng Phương làm công việc buôn bán nông sản ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập. Mỗi lần trả tiền hàng, chị phải ra ngân hàng hoặc bưu điện để chuyển. Từ nhà ra ngân hàng, bưu điện khá xa. Khi biết đến phương thức thanh toán qua Mobile money - chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản di động, việc thanh toán và quản lý tiền hàng của chị dễ dàng hơn. Hiện chị cũng giới thiệu đến bạn bè, người thân sử dụng hình thức này. 

Để đẩy nhanh lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt, Phú Thọ đang tích cực truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân. Chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tiếp tục phối hợp, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu phí dịch vụ bằng phương tiện thanh toán điện tử.

Các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử. Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, tạo niềm tin cho khách hàng. Toàn tỉnh quyết tâm giảm giao dịch trực tiếp, nâng cao tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng.

Anh Phương và nhóm PV, BTV