Đầu năm 2023, các nghệ sĩ, cán bộ của Hãng phim truyện Việt Nam gửi đơn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, xác đáng về thiệt hại của 300 bộ phim kinh điển trong kho bảo quản.

"Những bộ phim này đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đi trước. Nhiều bộ phim đạt những thành tựu lớn tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, là di sản văn hóa của cả dân tộc. Đề nghị Bộ VHTTDL có phương án đánh giá công khai, minh bạch thiệt hại này để tổng công ty vận tải thủy Vivaso có phương án đền bù", tập thể nghệ sĩ kiến nghị.

Thanh tra Bộ Văn hóa phản hồi vụ 300 phim bị hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam ảnh 1

Cảnh hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam sau "cơn bão" cổ phần hóa.

Các cán bộ ở Hãng phim truyện Việt Nam đề xuất phương án Vivaso in lại toàn bộ các bản phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, ở dạng dương bản và chuyển lại cho Nhà nước quản lý.

Ngày 4/1/2024, Thanh tra Bộ VHTTDL gửi thư trả lời cho đạo diễn Bùi Trung Hải - đại diện tập thể nghệ sĩ ở hãng phim. Trong thư, Thanh tra Bộ VHTTDL nêu rõ sau khi nhận được kiến nghị, phản ánh của tập thể nghệ sĩ về 300 bản phim bị hỏng, Cục Điện ảnh cùng Viện Phim Việt Nam làm việc với đại diện CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và khảo sát trực tiếp kho lưu trữ phim.

Thanh tra Bộ Văn hóa phản hồi vụ 300 phim bị hỏng ở Hãng phim truyện Việt Nam ảnh 2

Kho lưu trữ phim xuống cấp, các bản phim bị bết dính.

"Sau khi khảo sát trực tiếp, đoàn công tác nhận thấy kho lưu trữ phim đã xuống cấp trầm trọng, không đủ tiêu chuẩn để lưu trữ, các bản phim không thể sử dụng do không được kiểm tra, bảo dưỡng trong một thời gian dài. Các bộ phim trong kho phim bị hư hỏng thuộc trách nhiệm của công ty. Công ty phải để xuất phương án khắc phục báo cáo Bộ VHTTDL và trả lời cho tập thể nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của công ty biết", nội dung thư nêu.

Về hiện trạng bảo quản các bộ phim giá trị của điện ảnh Việt Nam tại kho phim của Viện Phim Việt Nam, đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL khẳng định những bộ phim này đầy đủ cả bản gốc và hồ sơ liên quan, được lưu trữ, bảo quản một cách khoa học trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế.

Sau quá trình cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam gần như tê liệt, chưa có bộ phim mới nào ra đời sau khi cổ phần hóa. Cuộc đời của Yến là phim cuối cùng do hãng sản xuất năm 2015.

Theo Tiền Phong